Hoạt động xuất khẩu thủy sản: Giảm sút đáng lo ngại
Từ đầu năm 2017 đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và có sự giảm sút đáng lo ngại.
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
Từ đầu năm đến nay, hoạt động XK thủy sản của các DN trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là do “rào cản kỹ thuật” các nước nhập khẩu áp đặt. Đó là các loại thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp; các quy định kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu như kiểm tra hóa chất, kháng sinh; quy chế truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt (IUU); cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín vào Australia…
Những khó khăn nói trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các DN XK thủy sản trên địa bàn tỉnh. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), cho biết, mục tiêu của DN trong năm 2017 là phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 18.200 tấn sản phẩm; doanh thu 1.443,6 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 54 triệu USD; song đến cuối tháng 4.2017 mới XK được 2.649 tấn hải sản; KNXK gần 14,7 triệu USD, đạt khoảng 27% so với kế hoạch.
Theo ông Võ Minh Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, đến cuối tháng 4.2017, DN XK 214 tấn tôm đông lạnh, đạt giá trị KNXK gần 1,66 triệu USD. KNXK 4 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Thực phẩm XNK Lam Sơn cũng chỉ đạt gần 1,4 triệu USD. Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn mới chỉ xuất được khoảng 107 tấn sản phẩm tôm thẻ đông lạnh, giá trị KNXK trên 800 ngàn USD…
Bà Trần Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết, trong tháng 4.2017, giá trị KNXK của nhóm hàng thủy sản toàn tỉnh ước thực hiện 5,76 triệu USD, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2017, giá trị KNXK của nhóm hàng thủy hải sản khoảng 23,7 triệu USD, đạt gần 28% kế hoạch năm, chiếm tỉ trọng 9,5% tổng KNXK, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, chỉ có hải sản đông lạnh là tăng về số lượng (7,7%) và giá trị (12,6%), còn lại đều giảm sút.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành thủy sản Việt Nam đang đối diện với những nguy cơ, thách thức, gồm: hạn hán, xâm ngập mặn; rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu; giá thành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam còn cao; thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; bất cập tại một số quy định và thủ tục hành chính; áp lực cạnh tranh mạnh mẽ. Trong đó, rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu là một thách thức không nhỏ.
Trước những khó khăn, thử thách trên, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp giúp các DN XK thủy sản trên địa bàn tháo gỡ khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo ngành chế biến thủy sản XK cần phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới; tăng cường giữ vững thị trường mới có tiềm năng; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế; thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành thủy sản từ khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi”, giao Sở KH-CN đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm cá ngừ đại dương.
VIẾT HIỀN