Hội nghị SOM 2 APEC 2017: Lao động, khởi nghiệp, phát triển đô thị được quan tâm hàng đầu
Lao động, khởi nghiệp, phát triển đô thị... là chủ đề nổi bật tại các phiên họp của các quan chức cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội ngày 13.5.
Hôm nay (13.5), bước vào ngày làm việc thứ tư trong khuôn khổ Hội nghị đại biểu cấp cao APEC lần thứ hai (SOM 2), các đại tiểu tiếp tục thảo luận những nội dung liên quan đến các phiên họp trước như phát triển nguồn nhân lực, tạo thuận lợi thương mại, an toàn thực phẩm, trong đó nổi bật là chủ đề lao động, khởi nghiệp và phát triển đô thị.
Phiên thảo luận về kết nối giáo dục với khởi nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 13.5
Vấn đề lao động đang là một trong những vấn đề trọng tâm của SOM 2 cũng như hoạt động APEC. Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực trong sáng nay đã tổ chức Hội thảo về “Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên” và cuộc Họp Chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn Nhân lực trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó là các cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Đầu tư: Nhóm bán của Chủ tịch về thận lợi hóa thương mại; Bạn của Chủ tịch về FTAAP. Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn cũng làm việc cả ngày hôm nay với Hội nghị lần thứ 6 của Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm.
Hội nghị về an toàn thực phẩm
Sáng nay, Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá tổ chức Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhân thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC, trong đó nhấn mạnh tới việc thu hẹp khoảng cách phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC.
Đại biểu Singapore Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm về phát triển bền vững cho các thành phố châu Á chia sẻ: Điều quan trọng nhất là kết nối với người dân và đưa họ tham gia chặt chẽ vào tiến trình phát triển đô thị bền vững. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất.
"Người dân đã thực sự tham gia, họ cùng dọn sạch các bãi biển mỗi năm và tham gia rất nhiều chiến dịch khác. Chính phủ Singapore đã kết nối với các doanh nghiệp, với người dân tạo thành 3 trục quan trọng trong phát triển đô thị bền vững và bảo vệ môi trường," bà Lee Lai Choo chia sẻ.
Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC
Tại Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC, các đại biểu đưa ra ý tưởng mới, góp phần định hướng tầm nhìn và mục tiêu của APEC trong tương lai.
Các quan chức APEC nêu rõ toàn cầu hóa và thương mại quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc tăng cường thịnh vượng và phúc lợi của nhân loại trong 50 năm qua. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Do đó, cần có các chính sách điều chỉnh thương mại để bảo đảm hỗ trợ những người lao động, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi tiến trình tự do hóa thương mại.
Theo ông Trần Việt Thái, Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam, Giám đốc Trung tâm APEC Việt Nam các trung tâm đã tiến hành đánh giá tình hình thương mại khu vực, đặc biệt là những thách thức gần đây đặt ra đối với thúc đẩy thương mại và thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh tình hình khu vực gặp rất nhiều thách thức.
Ông Thái cho hay, công tác nghiên cứu đang được đẩy mạnh, coi trọng, đi đầu xác định vấn đề thách thức. Công tác nghiên cứu được quan trọng hơn bao giờ hết, hội nghị thường niên của các trung tâm nghiên cứu APEC là bằng chứng cho thấy điều này.
Chiều cùng ngày, Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì phiên làm việc của Ủy ban Thương mại và đầu tư. Còn Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực tiếp tục làm việc với Hội thảo nâng cao nhận thực và hợp tác khu vực về kỹ năng và năng lực làm việc trong khu vực APEC.
APEC là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương với 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới.
Hiện nay, 13/15 các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Maylaysia và Singapore./.
Theo Trần Ngọc-Ngọc Khánh (VOV.VN)