NSƯT Đinh Văn Nhân: Yêu nghề, miệt mài học hỏi và sáng tạo
Ðến với nghề trong thời điểm sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn, anh xin theo học 5 năm ròng rã tại một nhạc viện chỉ vì muốn trau dồi thêm nghề, chăm chú vào chuyên môn đến mức gần như bàng quan với tất cả. Ðó là vài nét chính ở nhạc công, nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc Ðinh Văn Nhân - Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh.
NSƯT Đinh Văn Nhân (hàng đầu, biểu diễn đàn nguyệt) cùng dàn nhạc của Đoàn trong tiết mục “Trăm năm nhịp điệu bài chòi” (đoạt HCB tại Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017).
“Sinh ra để làm âm nhạc sân khấu dân tộc” - là nhận định của Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định - NSND Hoài Huệ khi nghe tôi hỏi về NSƯT Đinh Văn Nhân.
1.
NSƯT Đinh Văn Nhân (43 tuổi) là thế hệ thứ 2 của một đại gia đình theo nghệ thuật truyền thống. Cha là nhạc công Đinh Cao Dũng, hai người bác là NSND Đinh Quả và NSƯT Đinh Thái Sơn, cô là NSƯT Đinh Thị Bích Hải, đều là những nghệ sĩ có tiếng trong làng tuồng và bài chòi Bình Định.
Với nền tảng thuận lợi như vậy, từ nhỏ anh đã được cha dạy trống chiến, đàn nhị và nguyệt. Đến năm 14 tuổi, Đinh Văn Nhân chính thức được cha dẫn vào học nhạc trong môi trường Nhà hát tuồng Đào Tấn, cùng với một số con em nghệ sĩ khác, tham gia khóa đào tạo trong vòng 18 tháng.
Sau khi học xong, 16 tuổi Đinh Văn Nhân đã bắt đầu chơi nhạc cho Nhà hát, là thành viên nhỏ tuổi nhất trong dàn nhạc. Mong mỏi tiếp tục được học hỏi, tiến bộ hơn với nghiệp đã chọn, nhạc công trẻ đăng ký vào học lớp Dân ca - khóa 3, trường Trung cấp VHNT Bình Định. Đã có nền tảng và từng làm nhạc công tuồng, giờ học thêm, chuyên sâu về nhạc công bài chòi, do vậy mà tay nghề lẫn sự đa năng ở người nhạc công này là một ưu thế. Năm 1992 ra trường, Đinh Văn Nhân đầu quân về Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đến nay.
2.
Theo NSND Hoài Huệ, anh Nhân có tố chất và hội đủ những điều kiện của một người hoạt động âm nhạc sân khấu dân tộc, cả về chuyên môn, lòng yêu nghề và ý thức học hỏi. Trong mắt Trưởng Đoàn Hoài Huệ, người nghệ sĩ cốt cán ấy (bên mảng nhạc) không là nhạc công đơn thuần mà thực sự là một diễn viên nhạc.
Trong vai trò lặng lẽ của người làm nhạc sân khấu, Đinh Văn Nhân vẫn cùng với anh em làm việc ở hố nhạc, tôn vinh diễn viên - trung tâm của nghệ thuật sân khấu. Song một điều bạn nghề đều nhận thấy là, khả năng sáng tạo, biểu diễn ở anh rất lớn. Thực tế là không lâu sau khi vào Đoàn, nghệ sĩ trẻ này đã từ vị trí nhạc công trong dàn nhạc tiến lên làm chỉ huy dàn nhạc kiêm sáng tác, cả khí nhạc lẫn ca khúc, phục vụ cho vở diễn.
“Trong một vở diễn, yếu tố quyết định bản sắc vùng miền chính là ở âm nhạc. Sáng tác không vững rất dễ bị lai căng. Điều đáng ghi nhận nhất về chuyên môn ở Nhân là trong tất cả sáng tác của em viết cho Đoàn, tôi đều cảm nhận rõ hơi hướng dân tộc và bản địa. Điều này hỗ trợ rất lớn cho đạo diễn, cho Đoàn trong thực hiện sứ mệnh giữ gìn, quảng bá những đặc sắc của nghệ thuật bài chòi Bình Định.Nếu không có một sự am hiểu sâu và nhất là tình yêu, lòng tận tụy với nghề, với nghệ thuật bài chòi Bình Định, không dễ gì làm được”, NSND Hoài Huệ tâm tình.
“Nhân tuy là nghệ sĩ khá trẻ nhưng có tình yêu nghề trong sáng, trọn vẹn, mạnh mẽ và giữ được lửa nghề như các thế hệ nghệ sĩ thời tôi trở về trước. Nhân cũng là mẫu người của chuyên môn. 2 lần biết học không có bằng nhưng vẫn đăng ký học. Ðủ tiêu chuẩn xét tặng NSƯT nhưng khi Ðoàn bảo làm hồ sơ, Nhân ừ hử rồi mãi không thấy nộp, khi biết phải làm đến 7 bộ hồ sơ thì kêu trời, không làm, tôi bắt ép và nhờ phòng hành chính hỗ trợ khâu làm hồ sơ. Ðợt đó (2015), Nhân được phong NSƯT luôn”.
NSND Hoài Huệ - Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định
Ngoài vai trò nhạc công - nhạc sĩ - chỉ huy dàn nhạc, hướng dẫn nghề nghiệp ở Đoàn Ca kịch bài chòi, anh còn làm công tác giảng dạy. Năm 1992 Đinh Văn Nhân tốt nghiệp Trường Trung cấp VHNT Bình Định. Chỉ 4 năm sau (1996) anh trở lại trường với vai trò phụ trách dạy đàn nguyệt, ghita phím lõm, trống jazz và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Từ đó đến nay, anh gần như là giảng viên cơ hữu của Trường. Đồng nghiệp ở Đoàn cho biết, lúc mới về, công việc chưa nhiều, thu nhập từ nghề và đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống quá khó khăn, lãnh đạo đoàn tạo điều kiện để anh em nhạc công chạy sô, đi diễn xa kiếm sống. Nhân từng vào TP Hồ Chí Minh, với sự đa năng chơi được nhiều nhạc cụ Tây phương lẫn cổ truyền, anh nhanh chóng có công việc với thù lao cao. Tuy nhiên, chưa đầy tháng đã thấy trở về Đoàn, “tôi động viên, cũng làm nghề nhạc, mưu sinh đỡ nhọc nhằn hơn thì cứ chọn, Nhân tâm sự ngắn gọn thay cho câu trả lời: “Không làm nhạc cho sân khấu bài chòi, em thấy như đánh mất mình!”, NSND Hoài Huệ kể.
3.
Không ngần ngại, anh Nhân cho biết mình chưa tốt nghiệp phổ thông. Đồng nghĩa với việc dù học xuất sắc ở Trung cấp VHNT Bình Định hay 5 năm ở Học viện Âm nhạc Huế (chuyên ngành khí nhạc), anh không đủ tiêu chuẩn nhận bằng tốt nghiệp mà chỉ được cấp chứng chỉ. Đây là điều anh biết trước. “Quan trọng nhất là được học. Học để thỏa mãn đam mê, để làm nghề, phục vụ, cống hiến tốt hơn cho công việc”, NSƯT Đinh Văn Nhân chia sẻ.
Theo anh, từ sự dìu dắt về chuyên môn, khích lệ tinh thần của người anh đồng nghiệp là NSƯT Hữu Lai (vốn là nghệ sĩ của Đoàn, hiện công tác tại Đại học Nha Trang) và sự tạo điều kiện của Đoàn, 5 năm học ở Huế đã giúp anh thực hiện được ước mơ sáng tác khí nhạc của mình.
“Ngoài chơi nhiều loại nhạc cụ, đam mê từ nhỏ và lớn nhất đời tôi là sáng tác khí nhạc. Duyên nghề giúp tôi thực hiện được ước mơ này, tôi rất hạnh phúc. Điều nữa, tôi may mắn được làm việc trong một môi trường nghệ thuật trong lành, đây là điều khiến tôi luôn thấy nặng nợ ân tình và là động lực để tâm huyết làm việc”, NSƯT Đinh Văn Nhân bày tỏ.
Một số thành tích nghệ thuật nổi bật của NSƯT Ðinh Văn Nhân: HCV độc tấu đàn nguyệt - Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017, 2 HCB 2 kỳ Liên hoan 2014, 2017. Ở vai trò sáng tác và chỉ huy, HCB vở “Thời con gái đã xa”, HCV vở “Khúc ca bi tráng”; ở vai trò nhạc công chính: HCV vở “Huyền Trân công chúa”.
SAO LY