Nghe “Anotherday in paradise”, nghĩ về từ “trắc ẩn”
Nhạc pop-rock mà ta hay nghe, được nhiều người chọn nghe thường là tình khúc. Dẫu không phải là tình khúc, nhưng “Anotherday in paradise” của Phil Colins vẫn được rất nhiều người hâm mộ.
Đại thể Phil Collins kể thế này: Trời đã chuyển lạnh, một người đàn bà nghèo khổ, không nhà hy vọng một người đàn ông làm ơn chỉ cho cô ta một nơi nào đó có thể trú ngụ. Nhưng người đàn ông kia giả tảng như không nghe thấy gì và thản nhiên sang đường. Người đàn bà đó đã khóc... Phil tâm sự: nghĩ lại đi, sẽ có một ngày nào đó bạn và tôi ở thiên đường... Ta sẽ nói gì với nhau? Giọng hát của Phil trầm, ấm và đầy gợi mở.
Nghe “Anotherday in paradise” ta biết cổng thiên đường lúc nào cũng sẵn sàng mở ra với tất cả. Nhưng liệu ta có dám bước vào và đủ sức nhìn thẳng vào mắt nhau hay không, đó mới là điều quan trọng. Và đó là lúc ta hiểu, không phải vì Phil Collins là một tay trống cừ mà anh chọn cách hòa âm với bộ gõ bổ xuống đanh, gọn, chắc như động tác dứt khoát lúc tuyên án, kết thúc một phiên xử. Đừng thờ ơ với đồng loại, “chỉ thú vật mới quay lưng với nỗi đau đồng loại để điểm trang cho bộ lông của mình” (Karl Marx).
Mỗi khi nghe lại “Anotherday in paradise”, tôi thường tự mình lục lọi lại xem thử đã bao nhiêu lần mình đã thờ ơ như cái gã đã lạnh lùng băng qua đường trong ca khúc kia không. Đã bao nhiêu lần mình quên mất từ “trắc ẩn”.
Trắc ẩn là tình yêu dành cho tha nhân, là yêu người khác ngoài mình. Nói cách khác trắc ẩn là tình yêu thương thể hiện bằng ngôn ngữ hoặc hành động nhằm xoa dịu niềm đau, nỗi lo lắng. Trắc ẩn như hạt giống mà khi gieo nó xuống, chắc chắn bạn sẽ có vụ mùa bội thu ngọt ngào. Lắng nghe và nương theo ẩn ý thoát ra từ “Anotherday in paradise”, có thể bạn sẽ thu hoạch được một điều tốt đẹp nào đó.
BÁ PHÙNG