Tây Sơn: Gấp rút xử lý nợ quyết toán xây dựng cơ bản
Nằm trong nhóm “đội sổ” nợ quyết toán vốn dự án (DA), công trình (CT) đã hoàn thành được đầu tư từ nguồn ngân sách, huyện Tây Sơn đặt mục tiêu xử lý dứt điểm tình trạng này đến 30.6.2017. Vấn đề nằm ở việc địa phương có quyết liệt thực hiện?
Công trình trạm bơm điện Tả Giang dù đã hoạt động 11 năm nay, nhưng đến giờ vẫn... “treo” quyết toán.
Không phải ngẫu nhiên mà huyện Tây Sơn là 1 trong 4 địa phương nằm trong “tầm ngắm” công tác quyết toán DA hoàn thành và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) đối với các DA đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2015-2016 do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành trong tháng 5.2017.
Nợ dai dẳng, chậm quyết toán
Cuối năm 2014, Tây Sơn tồn đọng 308 CT, DA hoàn thành nhưng chưa phê duyệt quyết toán ở cấp huyện và xã, bao gồm: 55 CT do cấp huyện phê duyệt, vốn đã thanh toán 92,5 tỉ đồng và 253 CT do cấp xã, thị trấn phê duyệt, tổng vốn đã thanh toán 46,8 tỉ đồng. Kết thúc năm 2016, quyết toán được 132 CT. Đầu năm 2017, quyết toán thêm 50 CT tồn đọng.
Dù vậy, Tây Sơn vẫn nằm trong nhóm các địa phương rất chậm xử lý quyết toán CT, DA đã hoàn thành. Theo bà Lê Thu Hương, Trưởng phòng Tài chính-Đầu tư (Sở Tài chính), UBND tỉnh đã chỉ đạo đến tháng 9.2015 phải hoàn thành 80% quyết toán CT, và dứt điểm nợ vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2015 Tây Sơn mới hoàn thành 24% CT phải quyết toán, đến cuối 2016 cũng chỉ giải được 41,8% CT. “Đến tháng 4.2017, còn nợ 126 CT, DA cấp huyện và xã phê duyệt, thêm 3 DA cấp tỉnh phê duyệt, nhưng chỉ riêng CT chậm quyết toán trên 24 tháng đã lên đến con số 43. Giải quyết được số DA này không đơn giản” - bà Hương cho biết.
Phân tích vấn đề này, UBND huyện Tây Sơn cho rằng, trong tổng số 308 CT tồn đọng dai dẳng là do hồ sơ thiếu thủ tục; nhiều chủ đầu tư, kế toán đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác khác; nhà thầu phá sản, ngừng hoạt động... Nhưng vẫn không thể phủ nhận tình trạng một số chủ đầu tư tiếp nhận công tác thiếu quyết tâm trong xử lý các CT tồn đọng.
Năm 2005, CT trạm bơm điện Tả Giang được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư với hơn 3,5 tỉ đồng, trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tạm tính 40 triệu đồng. CT đã được khởi công tháng 7.2005; giá trị khối lượng thực hiện đề nghị phê duyệt quyết toán DA hoàn thành là 3,3 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 162 triệu đồng. CT này đã hoạt động 11 năm nay, nhưng đến giờ vẫn... “treo” quyết toán.
“Khi tiến hành tổ chức thực hiện, căn cứ biên bản của hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện tháng 12.2005 được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt thì giá trị bồi thường là hơn 162 triệu đồng, tăng hơn 122,5 triệu đồng so với dự toán ban đầu. Đây là trách nhiệm của Ban quản lý (BQL) DA Đầu tư và xây dựng huyện không tham mưu, báo cáo UBND huyện để trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung những chi phí này trước khi thực hiện” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc BQL DA Đầu tư và xây dựng huyện, lý giải.
Đây không phải là tình trạng cá biệt, bởi ngoài CT trạm bơm điện Tả Giang, BQL DA Đầu tư và xây dựng huyện cũng đang nợ quyết toán một CT tương tự là trạm bơm điện cấp 2 Tiên Thuận (đã hoàn thành năm 2007). Còn ở quy mô cấp huyện và xã, Tây Sơn còn 47 CT hoàn thành nhưng chưa quyết toán được do vướng mắc và không đủ hồ sơ.
Không thể bỏ lơ như trước
Tại cuộc làm việc ngày 12.5.2017 với Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho rằng đây là khuyết điểm của địa phương. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc; mở hội nghị chuyên đề quán triệt công tác quyết toán vốn đầu tư; đưa vào bình xét thi đua khen thưởng hằng năm; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các chủ đầu tư còn tồn đọng CT chưa quyết toán... Kế hoạch đến 30.6.2017, sẽ quyết toán dứt điểm 126 CT còn lại. Đồng thời, bắt đầu từ năm 2017 trở đi, kiên quyết không giao DA đầu tư cho các chủ đầu tư còn tồn đọng CT chưa quyết toán.
Đánh giá một cách khách quan, các văn bản chỉ đạo của huyện đã thể hiện rất rõ sự quyết liệt với nợ quyết toán. Có thể dẫn chứng, riêng năm 2016, Tây Sơn có 2 công văn đôn đốc, 1 quyết định kiểm tra và 1 hội nghị chuyên đề quán triệt công tác quyết toán vốn đầu tư CT hoàn thành. Từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương này cũng ban hành 1 công văn và gần nhất là mở hội nghị chuyên đề quán triệt công tác này vào trung tuần tháng 4. Còn trong công tác bố trí vốn trả nợ đọng XDCB các DA, CT, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng khẳng định, hằng năm đều bố trí 70% vốn để trả nợ, đầu tư mới chỉ có 30%; đồng thời làm thêm công đoạn bố trí 1-2 tỉ đồng/năm tất toán CT.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kế hoạch đã có, chỉ đạo cũng không thiếu quyết liệt, nhưng quan trọng vẫn ở khâu thực hiện. “Đối với cấp xã không có đủ năng lực thực hiện các hồ sơ, thủ tục để quyết toán, phòng Tài chính huyện trực tiếp nhận hồ sơ, làm thẩm tra, có kết quả thì giao cho UBND xã phê duyệt. Với khoản nợ đọng XDCB, huyện cũng cần xác định ưu tiên bố trí vốn để giải quyết” - bà Hương đặt vấn đề.
Sở KH-ĐT cũng cho hay, đang xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018-2020 để trình HĐND tỉnh kỳ họp sắp tới. Trên cơ sở đó sẽ giải quyết cơ bản tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương, trong đó có huyện Tây Sơn.
Ông Đỗ Văn Sỹ cũng khẳng định: “Trên cơ sở cam kết lộ trình quyết toán dứt điểm 126 CT còn nợ đến 30.6.2017 của các xã, UBND huyện sẽ ráo riết kiểm tra, theo dõi, chứ không bỏ lơ như trước đây. Chúng tôi cũng đã báo cáo Huyện ủy xem xét thi đua, đánh giá hằng năm các cá nhân, địa phương, đơn vị không hoàn thành quyết toán công trình; đồng thời, dứt khoát không bố trí DA mới cho các chủ đầu tư này”.
“Công tác chỉ đạo với nợ quyết toán đã được triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, vấn đề còn lại là phải thực hiện. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí vốn cho các DA, CT đã quyết toán, không để phát sinh nợ đọng XDCB; tránh tình trạng trình kế hoạch đầu tư cho HÐND tỉnh thì nguyên tắc, phương hướng bố trí vốn nói rất hay, nhưng thực chất không đủ thủ tục, không trả nợ được”.
Ông Võ Thăng Long, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
THU HIỀN