Chống gian lận thuế trong kinh doanh vận tải ở Phù Mỹ
Tỉ lệ nghịch với sự phát triển của hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tình trạng gian lận, thất thu thuế ở lĩnh vực này khá phức tạp. Vấn đề đặt ra là những giải pháp mạnh để bịt “lỗ hổng” trong quản lý thuế KDVT.
Ban chỉ đạo chống thất thu thuế ngành KDVT huyện Phù Mỹ họp bàn biện pháp quản lý thuế trong lĩnh vực này.
Năm 2010, Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ lập bộ quản lý thuế 273 phương tiện vận tải (PTVT). Kết quả kiểm tra vào thời điểm ấy không chỉ truy thu thuế, địa phương này còn đưa vào lập bộ quản lý thêm 94 trường hợp “lọt” ngoài sổ sách, tăng thu trên 200 triệu đồng/năm. Như vậy, năm 2010, địa phương này quản lý 367 chủ phương tiện nộp thuế hàng tháng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, lập bộ quản lý thu thuế KDVT của Phù Mỹ chỉ còn 112 hộ; trong đó, HTX Vận tải cơ giới 30.3 Phù Mỹ có 49 hộ; các xã, thị trấn quản lý 63 hộ, giảm 255 hộ so với năm 2010.
“Núp bóng” xe chạy hợp đồng
Ông Nguyễn Minh Hậu – Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ, cho biết: “Vẫn còn một lượng lớn phương tiện KDVT trốn thuế, phổ biến là hoạt động dưới dạng “núp bóng” chạy hợp đồng cho các doanh nghiệp (DN), hoặc kinh doanh tự do không kê khai đăng ký thuế”.
Đợt kiểm tra chống thất thu thuế ngành KDVT do UBND huyện triển khai trong tháng 3-4.2017 cho thấy, chỉ riêng việc thống kê số lượng xe vận tải chưa kê khai đăng ký thuế từ nguồn cung cấp của các thôn trên địa bàn huyện đã lên con số 553 PTVT. Nhiều chủ PTVT hợp đồng với các DN trong và ngoài tỉnh để chạy thuê, chỉ nhờ các DN gắn phù hiệu để lưu thông cho hợp lệ, phù hợp với quy định theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Đây là các trường hợp lách luật để kinh doanh trốn thuế, nhưng cơ quan quản lý chưa đủ cơ sở để truy thu thuế.
Hoạt động KDVT có đặc thù rất cơ động, không có địa điểm, luồng tuyến cố định; phạm vi hoạt động rộng khắp trên cả nước, xe mang biển số nơi khác nhưng hoạt động trên địa bàn huyện Phù Mỹ và ngược lại; phạm vi đậu đỗ xe không có địa điểm cố định, thị trường hàng hóa ở đâu thì xe hoạt động và đậu đỗ ở đó. Chưa kể, đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này tương đối đa dạng: người có tên trong đăng ký phương tiện thì không tham gia kinh doanh, thậm chí một số phương tiện chuyển nhượng qua rất nhiều người, nhưng trốn thuế trước bạ...
Với tính đa dạng và phức tạp nêu trên, cơ quan thuế khó kiểm tra quản lý, nhiều hộ cố tình không kê khai đăng ký, tìm mọi cách để trốn thuế. Kết quả của đợt kiểm tra đầu năm 2017, địa phương này đã đưa vào lập bộ quản lý thu thuế 51 phương tiện, 38 phương tiện cho các DN thuê để lấy phù hiệu lưu hành, số vào các DN, công ty và đăng ký nộp thuế nơi khác 85 phương tiện. Qua đó, truy thu thuế hơn 200 triệu đồng, tăng thu cho ngân sách hàng năm trên 500 triệu đồng.
Bịt “lỗ hổng” trong quản lý thuế
Tình trạng quản lý thu thuế không triệt để nêu trên dẫn đến việc chèo kéo giữa các hộ kinh doanh trong nghề. Đối với các hộ đã đưa vào quản lý thu thuế thì chây ì không chấp hành nộp thuế, nợ đọng thuế kéo dài. Trong những trường hợp này, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế không mang lại hiệu quả do không có tài sản để cưỡng chế, tài sản không chính chủ, không mang tên chủ phương tiện. Một số chủ phương tiện xin nghỉ không kinh doanh, nhưng thực tế vẫn kinh doanh bình thường, trong khi chưa có biện pháp mạnh, chế tài mạnh để quản lý và buộc hộ nộp thuế.
Lý giải cho thực trạng này, ông Hậu cho rằng: “Lực lượng công chức thuế quản lý địa bàn mỏng, vai trò tham mưu còn hạn chế, công tác phối hợp với địa phương không thường xuyên. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác thuế do tỉ lệ điều tiết từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân thấp, cơ bản dựa vào điều tiết bổ sung từ ngân sách cấp trên”.
Một hạn chế khác là công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với công an, chính quyền các địa phương chưa đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng hồ sơ để xử lý truy thu, phạt thuế theo quy định pháp luật rất khó thực hiện.
Trên cơ sở này, trong các biện pháp siết chặt quản lý thuế ngành KDVT trong thời gian đến, huyện Phù Mỹ chú trọng vào các “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Đối với các chủ PTVT “núp bóng” chạy hợp đồng, Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ đã gửi xác minh thông tin các PTVT này đến Chi cục Thuế mà các DN có hợp đồng để kiểm tra kê khai, đăng ký thuế và báo cáo về Cục Thuế tỉnh. Đối với các PTVT đang nằm ngoài danh sách, dẫn đến mất công bằng trong quản lý thuế, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo rà soát để xử lý. Tiến hành cưỡng chế các chủ PTVT cố tình chây ì, không chấp hành nộp thuế.
Dù vậy, ông Hậu cũng khẳng định, chống thất thu thuế KDVT cần thiết có sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành liên quan. “Cục Thuế tỉnh cần có quy chế phối hợp với Sở GT-VT về công tác quản lý thuế đối với các PTVT trong việc cấp phép lưu hành, kiểm định an toàn kỹ thuật đối với các chủ phương tiện, cũng như việc giám sát hành trình để hạn chế tình trạng kinh doanh trốn thuế; báo cáo Tổng cục Thuế để đề nghị Bộ Tài chính có thông tư liên tịch với Bộ GT-VT về quản lý thuế gắn với kiểm định an toàn kỹ thuật, thu phí bảo trì đường bộ các PTVT. Mặt khác, chỉ đạo xử lý các trường hợp phương tiện hợp đồng “núp bóng” DN để kinh doanh” - ông Hậu nêu đề xuất.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thuế tỉnh năm 2017 do UBND tỉnh tổ chức tháng 1.2017, thuế KDVT là một trong những lĩnh vực UBND tỉnh chỉ đạo ngành Thuế, các ngành và địa phương trong tỉnh giải quyết. Hiện, Cục Thuế tỉnh tiến hành xây dựng đề án và chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực KDVT. Và, một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ là việc chú trọng phối hợp giữa ngành Thuế và GT-VT.
THU HIỀN