Lưu ý khi ôn thi vào lớp 10
Tuần qua, sau khi hoàn thành thi kiểm tra học kỳ II, học sinh lớp 9 trong toàn tỉnh đang tập trung ôn thi để chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2017 - 2018. Các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy ôn thi, chấm thi vào lớp 10 đã đưa ra những lưu ý rất đáng tham khảo.
Bám chặt kiến thức trong sách giáo khoa
Theo thầy giáo Chế Văn Thạnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THCS Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), đề Toán thi vào lớp 10 không năm nào giống năm nào, dàn trải toàn bộ chương trình Toán lớp 9, độ khó có tăng nhưng không đáng kể, học sinh trong quá trình học ôn phải bám thật chặt theo chương trình kiến thức trong sách giáo khoa và sách bài tập Toán lớp 9.
Học sinh lớp 9 phải có kế hoạch tự học ôn cụ thể và quyết tâm thực hiện cho bằng được. (Ảnh minh họa)
Các dạng toán thường gặp trong các đề thi vào lớp 10, phần Đại số gồm có: căn thức, sự tương giao của đường thẳng và parabol và 1 bài toán đố. Về hình học, học sinh cần quan tâm ôn về các vị trí tương đối của điểm, đường thẳng, đường tròn với đường tròn, các loại tứ giác nội tiếp đường tròn…
Với những học sinh đăng ký thi vào trường chuyên, thầy Thạnh khuyên cần tham khảo các sách toán nâng cao của các tác giả Vũ Hữu Bình, Vũ Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Đạm cùng các đề thi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đề thi học sinh giỏi của 5 năm gần đây.
“Chính bản thân các em phải có kế hoạch tự học, tự ôn tập bên cạnh sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy cô giáo. Khi các em đã không biết thì trao đổi với các bạn giỏi cùng lớp để các bạn hướng dẫn mình hiểu thêm, không được thì hỏi thầy, cô” - thầy Thạnh nói.
Phải hiểu được văn bản
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần từ “hiểu” khi đưa ra lời khuyên với học sinh thi vào lớp 10 năm nay. “24 văn bản trong chương trình lớp 9, thơ thì học sinh phải thuộc lòng còn tác phẩm thì phải đọc thật kỹ. Tôi muốn các em nhớ rằng, khi học thì phải hiểu kỹ về văn bản, bởi vì có nắm hết kiến thức về văn bản đó thì mới nghị luận được. Có năm đề thi ra rõ ràng, tường minh, nhưng cũng có năm đề có định hướng khác nội dung của bài nên phải hiểu đề, nắm vững kiến thức nội dung văn bản thì mới làm bài tốt”, cô Thu lưu ý.
Ngoài việc nắm vững văn bản, học sinh phải ôn kỹ cách phân biệt và làm hai kiểu bài văn nghị luận và cách làm bài nghị luận văn học theo từng dạng văn bản.
“Kiến thức tiếng Việt lớp 9 không nhiều lắm, nhưng các em lưu ý những bài tổng kết ngữ pháp liên quan đến kiến thức các lớp 6, 7, 8. Tôi nhớ có một năm đề yêu cầu thí sinh nêu định nghĩa của từ đồng nghĩa. Thế nhưng, hai ba năm gần đây, kiến thức tiếng Việt trong đề không hỏi lại lý thuyết mà đòi hỏi học sinh phải nắm vững lý thuyết để vận dụng làm bài tập. Chẳng hạn, đề cho 1 văn bản rồi hỏi thí sinh đâu là câu đơn, câu ghép”, cô Thu trao đổi.
Lưu ý phần biến đổi loại từ
“Đây là một vấn đề học sinh rất yếu” - thầy giáo Huỳnh Văn Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đúc rút như vậy từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy bộ môn tiếng Anh, tham gia các hoạt động chuyên môn của Sở GD&ĐT và làm công tác quản lý. “Tiếng Việt mình thì danh từ đứng trước tính từ, ví dụ như nói “Một cô gái đẹp”, nhưng với tiếng Anh thì “A beautiful girl” - tính từ lại đứng trước danh từ”, thầy Hải nêu một ví dụ.
Để làm tốt bài thi môn tiếng Anh, học sinh phải có kế hoạch ôn thi thật cụ thể. Theo thầy Hải, đầu tiên phải nắm vững các thì, các dạng động từ, các dạng câu, đặc biệt một số dạng bị động nâng cao. Với dạng bài đọc hiểu, học sinh học hết từ vựng trong sách giáo khoa của khối lớp 9 và phải học thêm những từ vựng theo chủ điểm lớp 9 ngoài sách giáo khoa theo hướng nâng cao hơn. Với phần viết, ôn kỹ những dạng đề viết câu dùng từ gợi ý trong ngoặc, viết lại câu không thay đổi ý nghĩa, dùng từ gợi ý viết thành câu hoàn chỉnh hoặc sửa lỗi sai trong câu.
Học sinh thi vào trường chuyên phải luyện viết thư hoặc viết đoạn văn. Thầy Hải tổng hợp các dạng câu hỏi ở phần nghe thi vào lớp chuyên tiếng Anh gồm có: nghe và điền 1 từ, nghe và trả lời câu hỏi, nghe điền không quá 3 từ trong đoạn văn.
“Đề thi vào trường chuyên có rất nhiều dạng nâng cao, đặc biệt bài đọc hiểu rất nhiều dạng, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu thật tốt. Tôi lưu ý các em không được xem thường dạng bài tập về cách phát âm, bởi mặc dù không thi nói nhưng khả năng đề sẽ ra một số nội dung cấu trúc liên quan đến speaking nằm trong phần chọn từ”, thầy Hải nhắc nhở.
Các thầy cô đều khuyên các học sinh lớp 9 phải có phương pháp tự học ôn ở nhà, tập cho mình thói quen đọc kỹ đề bài, linh hoạt cách giải quyết vấn đề. “Hãy cố gắng tự rèn cho mình những kỹ năng làm bài, trình bày bài, cả chữ viết ngay từ bây giờ” - các thầy cô tư vấn.
NGỌC TÚ