Ðề tham khảo các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017: Học sinh phải biết cách vận dụng kiến thức
Chiều 14.5, sau khi Bộ GD&ÐT công bố chính thức đề tham khảo các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, nhiều giáo viên và học sinh lớp 12 trong tỉnh đã nghiên cứu, làm thử. Theo nhận xét của các giáo viên và học sinh, các đề tham khảo có tính phân hóa cao; để giải bài tập, đòi hỏi học sinh phải biết cách vận dụng kiến thức.
Chủ yếu là kiến thức trong sách giáo khoa
Nhìn chung, cấu trúc các đề tham khảo giống như các đề minh họa Bộ đã công bố trước đây. Nội dung đề trải đều hầu như toàn bộ kiến thức chương trình lớp 12. Nội dung các câu dẫn ngắn gọn, tường minh, không gây khó hiểu đối với học sinh. Nội dung câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, chủ yếu là kiến thức trong sách giáo khoa, mức độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được trình độ, năng lực, kiến thức từng thí sinh. Đề phục vụ tốt cho một kỳ thi nhằm hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Học sinh không nắm vững kiến thức, không biết cách vận dụng tốt sẽ không thể làm được bài thi.
Tuy nhiên, theo các giáo viên, nếu học sinh không nắm vững kiến thức, biết cách vận dụng tốt thì nhiều khả năng sẽ không làm được bài. Thầy Nguyễn Văn Cường, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: “Đáp án đúng và câu gây nhiễu khá tương đương với nhau về số lượng chữ, nên học sinh sẽ khó chọn được đáp án đúng nếu không thường xuyên luyện tập làm bài trắc nghiệm hoặc không nhớ cũng như hiểu rõ bản chất của sự kiện”.
Điểm gây sốc của đề Toán năm nay là việc bộ phận soạn đề đã hạn chế khá nhiều việc học sinh đánh lụi vẫn được điểm và không bị điểm liệt. Thầy Huỳnh Duy Thủy, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Tăng Bạt Hổ chỉ ra: “Đáp án đúng không phân chia đều cho các phương án A, B, C, D (chẳng hạn 25% đáp án A, 25% đáp án B…) nên học sinh không thể chọn đánh lụi vào một phương án để cầu may được. Các câu hỏi có liên hệ với thực tế, chẳng hạn tính lãi suất ngân hàng… xuất hiện ở các đề minh họa trước thì trong đề tham khảo không thấy nữa, đề trả lại thuần túy về toán như lúc trước thi tự luận”.
Phải biết vận dụng
Đề Vật lý hỏi phần lý thuyết nhiều, đòi hỏi học sinh phải học lý thuyết. Tuy nhiên đề phân hóa rõ ở các mức độ và muốn có điểm 7, 8 học sinh phải biết cách vận dụng kiến thức vào giải bài tập. Tương tự vậy, trong đề Hóa, kiến thức rất căn bản nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức của học sinh khá rõ nét.
Thầy Võ Công Trí, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh giá, đề Ngữ văn lần này hay hơn ở chỗ có phân hóa tốt hơn do tăng mức vận dụng và vận dụng cao. “Câu làm văn 5 điểm đề không có theo lối mòn. Cách ra đề như thế học sinh không thể chép tài liệu được mà phải nắm bài để làm. Học sinh phải tư duy đề, và chắc chắn là nếu các em không suy nghĩ thấu đáo thì không thể làm đúng trọng tâm”.
Lo lắng hơn cả là các giáo viên dạy ôn thi môn Giáo dục công dân - môn đầu tiên góp mặt trong kỳ thi THPT Quốc gia, bởi có sự khác biệt giữa đề tham khảo và những hướng dẫn ôn thi của Bộ GD&ĐT trước đây.
Cô Phạm Phú Lộc, giáo viên dạy Giáo dục công dân Trường THPT Tăng Bạt Hổ cho biết: “Đề có một số câu hỏi vận dụng cao, liên quan đến các tình huống mà ngay cả một số giáo viên làm rồi cũng không biết là đúng hay sai, Bộ thì chưa đưa ra đáp án. So với đề tham khảo, thời gian qua, chúng tôi ôn tập cho học sinh những tình huống và cách giải quyết đơn giản hơn nhiều. Vì vậy, thời gian tới, riêng với môn Giáo dục công dân, giáo viên phải nâng “độ khó” của các tình huống hơn nữa, còn học sinh phải học thực sự để nắm vững kiến thức và biết cách vận dụng, em nào học để đối phó thì không thể làm được bài”.
KIM KHÁNH