Chiếc gùi - nét đẹp bình dị của người H’re
Không rộn ràng như tiếng cồng chiêng, không rực rỡ như những chiếc váy, áo thổ cẩm; bình dị, đơn sơ nhưng chiếc gùi lại gắn bó thường nhật với đồng bào H’re An Lão. Vậy nhưng hiện nó đang mất dần vai trò của mình.
Đời sống của đồng bào dân tộc H’re An Lão có nhiều thay đổi, chiếc gùi vì thế cũng chỉ còn xuất hiện như một vật trang trí.
Do điều kiện sinh sống ở địa hình rừng núi nên phương thức vận chuyển bằng gùi là lựa chọn tối ưu của người H’re. Đi trong rừng, lối mòn nhỏ, chiếc gùi đeo trên vai rất thuận tiện cho việc di dời, vận chuyển. Đôi tay được giải phóng, họ cầm dao để dọn vật cản trên lối đi, đồng thời tranh thủ thu nhặt rau, măng rừng, nấm mối hay lá nhíp... một cách thuận lợi. Chiếc gùi lặng lẽ theo năm tháng gắn bó cuộc sống của đồng bào H’re nơi đây.
Gùi của đồng bào H’re An Lão thường được làm từ các loài cây thuộc họ tre, lồ ô và mây. Để đan được một cái gùi mất khoảng 2 tuần, chưa kể thời gian tìm kiếm nguyên liệu. Nếu sử dụng giữ gìn cẩn thận thì dùng được 5-8 năm.
Ông Đinh Văn Ngai, già làng thôn 1, xã An Dũng, cho biết: “Màu chủ đạo của chiếc gùi thường là màu nguyên bản của cật tre; màu nâu, đen lấy từ cây lộc vừng để tạo hoa văn. Cây lộc vừng phải giã nát, lấy nước quét lên với độ đậm, nhạt tùy ý. Hong các nan lên khói được đốt từ cây chai để tạo màu sắc, độ bóng đẹp và độ bền của gùi. Nếu không tìm được cây để làm màu nhuộm, người ta thường ngâm tre ở bùn chuồng trâu khoảng 2 ngày 2 đêm, sau đó rửa sạch phơi khô sẽ có màu đen”.
Phong tục trước kia của người H’re, đàn ông muốn lấy vợ phải đan được ít nhất một cái gùi, phụ nữ muốn lấy chồng thì phải dệt được 3 tấm thổ cẩm. Hiện nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc H’re An Lão có nhiều thay đổi. Kinh tế phát triển ổn định, công cụ sản xuất hiện đại thay thế sức người, việc vận chuyển các mặt hàng nông sản, hàng hóa có thể dùng nhiều cách thức, phương tiện khác hiện đại hơn. Ðồng bào H’re không còn thường xuyên sử dụng gùi như trước đây nữa. Mặt khác, một bộ phận thanh niên H’re không còn thích đan gùi, không còn muốn mang gùi.
Ông Đinh Văn Két (xã An Dũng) chia sẻ: Tôi biết đan gùi lúc còn trẻ. Chiếc gùi là một biểu tượng văn hóa của người H’re. Tôi muốn thanh niên H’re ai cũng biết đan gùi nhưng khó quá. Tôi có 3 con trai đã lớn nhưng chưa đứa nào biết đan gùi hết! Còn ông Đinh Văn Chút (xã An Vinh) trăn trở: Người biết đan gùi giờ rất ít, chủ yếu người già. Việc giữ gìn giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc H’re mình trở nên gấp lắm.
DIỆP THỊ DIỆU