Thực tế đối ngoại có thể gây khó khăn cho tham vọng của Tổng thống Pháp
Với việc dùng xe Jeep quân sự, thay vì một chiếc limousine, trong lễ nhậm chức vừa qua, Tổng thống trẻ nhất của Pháp thời hậu chiến, ông Emmanuel Macron, muốn gửi đi một thông điệp rằng, nước Pháp sẽ mạnh mẽ và kiên định hơn trong chính sách ngoại giao.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Tuy nhiên, mặc dù hành động mang tính biểu tượng có thể là một sự khác biệt so với truyền thống, nhưng chính sách đối ngoại của vị Tổng thống 39 tuổi này có thể đối mặt với nhiều khó khăn trên thực tế.
Được đánh giá là một người thân châu Âu và ủng hộ một Liên minh châu Âu (EU) hội nhập hơn, ông Macron muốn hướng đến một châu Âu “đa tốc độ”, ý tưởng được Đức và các nước EU khác ủng hộ sau khi Anh rút khỏi khối này.
Trong quá khứ, Pháp thường được xem là quốc gia có xu hướng bảo thủ và thường hành động một mình, do các cuộc can thiệp quân sự của nước này tại Libya, Trung Đông và Sahel. Hiện nay, ông Macron muốn hợp tác an ninh sâu hơn với châu Âu, nhưng tân Tổng thống Pháp khó có thể phá vỡ mô hình mà những người tiền nhiệm, các cựu Tổng thống Francois Hollande và Nicolas Sarkozy, đã tạo dựng.
Ông Francois Heisbourg, cố vấn của ông Macron và là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói: “Chúng ta biết rằng trong thế giới mà chúng ta sống chính sách đối ngoại sẽ áp đặt lên Tổng thống, chứ không phải Tổng thống áp đặt được chính sách đối ngoại.”
Ngay sau khi nhậm chức, ông Macron đã đến Berlin (Đức) để hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về cải thiện quan hệ Đức – Pháp. Tại đây, Tổng thống Pháp bày tỏ hy vọng hai nước sẽ sớm vạch ra lộ trình giúp EU hội nhập sâu hơn.
Cuối tuần này, ông Macron sẽ thăm binh sĩ Pháp tại Tây Phi và cuối tháng 5, ông sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và dự các hội nghị thượng đỉnh của NATO và G7 tại Brussels và Sicily.
Một nhà ngoại giao Pháp cho rằng, khó có thể xảy ra một sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách đối ngoại của Pháp.
Thúc đẩy hợp tác châu Âu
Theo ông Heisbourg, ông Macron muốn được đánh giá qua chính sách về châu Âu. Chính sách ngoại giao của Tổng thống Pháp được cho là bị ảnh hưởng từ khuynh hướng thân châu Âu (Europhile) và từ cố vấn chính sách đối ngoại Philippe Etienne.
Các nhà ngoại giao cho rằng, ông Macron muốn EU có lập trường chung về các vấn đề, như cuộc khủng hoảng di cư do nội chiến tại Syria, hay tình hình liên quan đến Tổng thống Nga và Mỹ.
Một nhà ngoại giao nói rằng, lập trường chung của EU về Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là then chốt, vì mối quan hệ đó sẽ tác động nhiều chính sách, từ thương mại cho đến khủng bố hoặc Syria.
Mặc dù ông Macron có thể vẫn là một đồng minh tin cậy của Washington, nhưng tân Tổng thống Pháp sẽ không thể gần gũi với Nhà Trắng được như hai người tiền nhiệm.
Một nguồn tin thân cận với ông Macron nói rằng, Pháp sẽ không làm theo yêu cầu của Mỹ, Nga hay bất kỳ nước nào.
Pháp cũng sẽ gánh vác phần lớn hoạt động quân sự của châu Âu ở nước ngoài. Ông Macron cam kết tăng chi tiêu quân sự, nhằm thực hiện đúng cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng với tư cách là thành viên của NATO.
Lê Quảng (theo Reuters)