Nhật Bản: Robot dần thay thế lao động con người
Trước tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào robot và các thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo khác để giải quyết một cách tự động một loạt công việc, từ sản xuất, lái máy xúc cho tới các dịch vụ dọn dẹp phòng khách sạn.
Robot đang làm việc bên cạnh con người trong một dây chuyền lắp ráp ở nhà máy Glory chuyên sản xuất máy đổ tiền ở Kazo, phía bắc Tokyo.
Theo khảo sát của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, các công ty có vốn hoạt động tầm từ 100 triệu yên cho tới 1 tỷ yên đang lên kế hoạch tăng cường 17,5% đầu tư trong năm tài chính 2017 (bắt đầu từ tháng 4 vừa qua). Đây là mức đầu tư cao nhất kể từ trước tới nay.
Không rõ vì sao các doanh nghiệp lại phụ thuộc quá mức vào robot như vậy, song các công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các loại thiết bị tự động cho biết các đơn hàng mà họ nhận được đang tăng mạnh.
Chính phủ Nhật Bản cho hay, họ nhận thấy có một tỷ lệ đầu tư lớn hơn đang được chú trọng nhằm tăng cường tính hiệu quả. Doanh thu từ các nhà sản xuất robot trong nước cũng tăng mạnh từ tháng 1-3. Chính phủ dự báo đầu tư vào thiết bị để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sẽ tăng mạnh trong năm nay. Một số doanh nghiệp có thể cắt giảm chi tiêu so với kế hoạch ban đầu.
Dân số ở độ tuổi lao động của Nhật Bản tăng đỉnh điểm vào năm 1995 với 87 triệu người, song lại đang sụt giảm kể từ đó tới nay. Chính phủ dự báo con số này có thể giảm xuống còn 76 triệu người trong năm nay và còn 45 triệu người vào năm 2065.
Sử dụng robot và cơ cấu tiết kiệm sức lao động không chỉ được phát triển trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng, mà nó còn đang được mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau như đầu tư bất động sản, chế biến thực phẩm và đồ uống và quản lý chuỗi khách sạn.
Chẳng hạn như khách sạn Hen na Hotel nằm gần công viên Disneyland ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, được gọi là khách sạn robot, bởi vì khách sạn đang sử dụng 140 loại robot và trí tuệ nhân tạo khác nhau để phục vụ khách tại khách sạn 100 phòng này và chỉ thuê từ 2-3 lao động là con người.
Mỗi phòng khách sạn có một robot hình dạng giống quả trứng hoặc một trợ lý riêng (gọi là Tapia). Họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện gương mặt của khách hàng và thực hiện theo mệnh lệnh của khách hàng thông qua giọng nói. Các robot có thể đánh thức khách hàng, lên kế hoạch làm việc cho ngày, kiểm soát các thiết bị có kết nối internet như TV, máy điều hòa. Các robot khác có thể vận chuyển hành lý và đi đổ rác.
Hồng Hà (Theo Japan Today)