Dân Trung Quốc chi 24 tỉ đô la Mỹ cho các chương trình “visa vàng”
Theo số liệu mà AP thu thập được, trong 10 năm qua có hơn 100.000 người Trung Quốc rót ít nhất 24 tỉ đô la Mỹ vào các chương trình “visa vàng” (chương trình định cư theo diện đầu tư) trên toàn thế giới.
Khách hàng Trung Quốc tham dự một hội nghị về đầu tư tại Mỹ, được tổ chức tại một khách sạn ở Bắc Kinh.
Cũng theo tìm hiểu của AP, Mỹ là điểm đến ưa thích nhất của người dân Trung Quốc, với ít nhất 7,7 tỉ đô la Mỹ được người Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, trong khi Mỹ đã cấp hơn 40.000 visa cho các nhà đầu tư Trung Quốc và gia đình của họ.
Jenny Liu, một sinh viên y khoa sống tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), là một ví dụ. Cách đây 2 năm, cô đã bán căn hộ tại đây và chuyển đến sống với cha mẹ tại Mỹ. Sau đó, cô dùng số tiền có được để đầu tư 500.000 đô la Mỹ vào một dự án khách sạn tại Mỹ. Nếu dự án này tạo được việc làm trong vòng 2 năm nữa, Liu sẽ được cấp “thẻ xanh” và đứa con trai 9 tuổi của cô sẽ được hưởng nền giáo dục Mỹ.
Sự xuất hiện của hàng loạt nhà đầu tư cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giúp hàng chục triệu gia đình ở nước này bước vào tầng lớp trung lưu. Theo số liệu của công ty tư vấn McKinsey và Company, hiện hơn 3 triệu hộ gia đình tại Trung Quốc có thu nhập hơn 34.000 đô la Mỹ/năm. Lý do chính là giá bất động sản tại các thành phố lớn ở Trung Quốc tăng hơn gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Chẳng hạn như tại Bắc Kinh, giá bất động sản tăng trung bình 25%/năm, trong đó chỉ tính riêng cuối năm 2015, giá nhà tại thủ đô tăng 63%, với một căn hộ rộng khoảng 120m2 có giá trị lên đến hơn 1 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, sự giàu có cũng khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng lo ngại về những vấn đề trong nước, như ô nhiễm, giá nhà cao và sức ép học hành đối với con cái.
Số tiền mà người dân Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài thường nhắm đến trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp, các dự án nghỉ dưỡng, bất động sản hay xây dựng trường học.
Sức hút của “visa vàng”
Kết quả khảo sát của AP cho thấy, trong giai đoạn 2010-2015, số người Trung Quốc theo đuổi chương trình định cư theo diện đầu tư tăng gấp 3 lần trên phạm vi toàn cầu. Trong 10 năm qua, công dân Trung Quốc chiếm 75% trong số visa đầu tư theo chương trình EB-5 được cấp tại Mỹ, 70% tại Bồ Đào Nha và 85% tại Úc.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng chiếm tỉ lệ lớn trong danh sách cấp visa theo diện này tại Canada, Anh, New Zealand, Tây Ban Nha, Hungary và Malta. Trong số các nước thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Úc là nước có yêu cầu số vốn đầu tư cao nhất, với gần 3,7 triệu đô la Mỹ, gấp gần 8 lần so với chương trình EB-5 của Mỹ. Tuy nhiên, ước tính Úc cũng thu hút hơn được các khoản đầu tư trị giá hơn 6 triệu đô la Mỹ từ người dân Trung Quốc chỉ trong 4 năm.
Cũng trong thập kỷ qua, chương trình thu hút đầu tư của Canada giúp nước này có gần 2,4 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Canada chấm dứt chương trình này hồi năm 2014, ngoại trừ tỉnh Quebec vẫn giữ chương trình riêng và đã thu hút ít nhất 1,9 tỉ đô la Mỹ từ Trung Quốc.
Làn sóng đầu tư đang chậm lại
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách làm chậm lại làn sóng di cư ra nước ngoài. Truyền thông Trung Quốc đăng tải nhiều thông tin phê phán các chương trình cấp visa theo diện đầu tư, trong khi chính phủ nước này cũng thắt chặt việc kiểm soát số tiền mà cá nhân và công ty có thể đem ra nước ngoài.
Chẳng hạn như, sắp tới các ngân hàng Trung Quốc có thể giới hạn số tiền một cá nhân được phép đem đi nước ngoài trong 1 năm, đồng thời cũng yêu cầu báo cáo bất kỳ hoạt động chuyển tiền nào có giá trị trên 10.000 đô la Mỹ.
Nếu Trung Quốc, nước không công nhận công dân có hai quốc tịch, không thể giữ chân các doanh nhân và tầng lớp trung lưu, tương lai của nền kinh tế nước này khó có thể sáng sủa. Như trường hợp của Joey, một người đang làm việc tại một tập đoàn nhà nước ở Bắc Kinh. Joey và người yêu có một căn hộ tại đây và họ định kết hôn, rồi sau đó sinh con tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cặp đôi này vẫn muốn con cái được nuôi dưỡng ở nước ngoài. Bạn bè và người thân của Joey giúp anh chuyển đủ tiền ra nước ngoài để đầu tư theo chương trình EB-5 của Mỹ.
“Ở Trung Quốc, bạn cần phải lên kế hoạch trước,” Joey nói. “Bạn không thể rời ngay hôm nay hay bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Chương trình định cư theo diện đầu tư tại một số nước:
- Mỹ: Chương trình EB-5 hiện là chương trình phổ biến nhất tại Trung Quốc. Cá nhân đầu tư ít nhất 500 ngàn đô la Mỹ vào một dự án tại Mỹ và tạo được 10 việc làm là có thể lấy được “thẻ xanh”.
- Bồ Đào Nha: Nước này cấp “visa vàng” cho các nhà đầu tư bỏ tiền mua bất động sản trị giá từ 350 ngàn euro trở lên.
- Úc: Chương trình cấp visa định cư theo diện đầu tư của nước này yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu là 5 triệu đô la Úc.
- Malta: Chương trình định cư của Malta dành cho các nhà đầu tư chịu chi tổng cộng khoảng 400 ngàn euro.
- Tây Ban Nha: Quốc gia này có 3 chương trình “visa vàng”, trong đó đáng chú ý là chương trình đầu tư tối thiểu 500 ngàn euro cho các dự án bất động sản.
- Anh: Nước này có chương trình Tier 1, cấp visa định cư cho người nước ngoài đầu tư ít nhất 1 triệu bảng Anh vào nước này.
Lê Quảng (theo AP)