Doanh nghiệp nản nhất là chi phí không chính thức
Sáng 17.5, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Thủ tướng khẳng định ngay sau khi kết thúc, Thủ tướng và các phó thủ tướng sẽ thông qua chỉ thị quan trọng dựa trên những nhu cầu, phản ánh qua cuộc đối thoại này.
Hội nghị diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp".
Thủ tướng và các phó thủ tướng chủ trì cuộc đối thoại với doanh nghiệp
Sẽ có chỉ thị hỗ trợ doanh nghiệp sau đối thoại với Thủ tướng
Thủ tướng khẳng định ngay sau khi kết thúc đối thoại, Thủ tướng và các phó thủ tướng sẽ thông qua chỉ thị quan trọng dựa trên những nhu cầu, phản ánh qua cuộc đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp.
Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, hội nghị năm nay được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội sau khi lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 4-2016.
Mở đầu khai mạc, thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đứng trước cộng đồng doanh nghiệp hôm nay làm ông bồi hồi nhớ lại không khí cách đây hơn một năm, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Thống nhất TP.HCM. Hội nghị đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cả chính phủ, chính quyền địa phương trong bối cảnh mọi thứ còn mới mẻ.
Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đây thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Còn nhiều rào cản với doanh nghiệp tư nhân
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận đó chỉ là những bước đầu tiên còn khiêm tốn, bởi hiện vẫn còn nhiều rào cản, ngăn trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Sau một năm gặp gỡ, bước đầu đã đạt một số kết quả quan trọng, hội nghị lần này sẽ tập trung đánh giá nghị quyết 35 của Chính phủ cũng như giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp năm 2017 và những năm tiếp theo. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn cuộc gặp gỡ để cùng bàn với nhau chương trình hành động một thẳng thắn nhất.
Hội nghị đối thoại năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khác khi hội nghị trung ương 5 vừa kết thúc với thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng cũng nhắc đến những tấm gương doanh nhân đã làm rạng danh Việt Nam, những chiến sĩ, nhà yêu nước nhà khởi nghiệp đã thành công nhờ biết cung cấp cái người ta đang thiếu, đang cần và kịp thời.
“Với tư nhân, thời gian là tiền bạc, tôi rất trân trọng sự hiện diện của các doanh nghiệp hôm nay và đề nghị các bộ ngành phát biểu ngắn gọn để doanh nhân có điều kiện phát biểu ý kiến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.
Chậm cải thiện do trên bảo dưới không nghe
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) nói Nghị quyết 35 là nghị quyết đầu tiên đưa ba thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển, chính phủ vai trò kiến tạo, khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân. Tinh thần đột phá của nghị quyết đã đem lại nhiều hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Theo ông Lộc, kể từ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức ngày 29-4-2016, đến hết tháng 1-2017, VCCI đã tập hợp được 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước.
Trong đó 320 kiến nghị được VCCI tập hợp và gửi tới các bộ, ngành trả lời trước và sau hội nghị. Điều đáng mừng là hơn 90% kiến nghị đã được các bộ, ngành địa phương chủ động xử lý.
Ngoài ra từ tháng 2-2017 VCCI cũng tập hợp thêm 188 kiến nghị mới và hy vọng các kiến nghị này sẽ được lắng nghe, xử lý trong dịp này.
“Tôi mừng khi Thủ tướng có món quà cho cộng đồng doanh nghiệp năm nay là tránh, và không được thanh tra, kiểm tra chéo. Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện một phần do có tình trạng trên bảo dưới không nghe. Có trên 20 quy định đã rõ là không hợp lý nhưng vẫn được đưa ra”, ông Lộc nói.
Dù nhiều cải thiện trong thông điệp chính phủ hành động, nhưng một năm qua, doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa, ông Lộc đề nghị trong ban hành chỉ thị thúc đẩy nghị quyết 35 đồng thời nêu rõ thời hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và yêu cầu mỗi năm có một chỉ thị như vậy.
Điều đáng tiếc dưới 30% các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đây là điểm yếu giải thích vì sao hiệu quả năng suất kinh doanh của doanh nghiệp VN thấp.
Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu nhưng doanh nghiệp cũng phải chủ động sáng tạo, đổi mới, có như vậy mới cải thiện được năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy chỉ có 25% doanh nghiệp chưa nhận thấy tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.
Chi phí không chính thức vẫn hoành hành
Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, các ý kiến của doanh nghiệp vừa và nhỏ được đưa ra.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch doanh nghiệp vừa và nhỏ VN đã thẳng thắn nêu lên tình trạng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và cả không chính thức.
Theo ông Thân, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn nhưng điều họ nản nhất chính là chi phí.
Dù đã có nhiều bước cải tiến môi trường kinh doanh nhưng chi phí tuân thủ kinh doanh vẫn khá cao, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều ông Thân muốn nhấn mạnh chính là chi phí không chính thức mà chủ yếu rơi vào các thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai, thuế, hải quan…
“Dù chi phí này đã giảm xuống từ 25% năm 2015 xuống còn 18,8% trong năm 2016 nhưng điều này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng”, ông Thân nói.
Theo ông Thân, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng chi phí không chính thức vẫn hoành hành. Về phía công chức, dù có quy định rõ ràng nhưng do khâu thực thi kém cán bộ có “lộng hành”, cán bộ thờ ơ, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, lương bổng thấp nhưng đạo đức công vụ cũng thấp dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu.
Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đủ về nền kinh tế thị trường, một số doanh nghiệp chấp nhận chung chi để được việc.
Sau ý kiến của đại diện Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, ông Trịnh Đình Dũng đề nghị cơ quan ban ngành quan tâm đến kiến nghị này.
Ước tính khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu, gần 7.000 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp địa phương. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.
Theo NHƯ BÌNH (TTO)