Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn: Loay hoay tìm nguồn nuôi
Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Quy Nhơn (do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đầu tư kinh phí tổ chức, duy trì thường xuyên từ Tết Nguyên đán 2012) đang có nguy cơ phải ngừng vì… hết tiền.
Hiện đã có một số nghệ nhân, nhà hảo tâm đang nỗ lực vận động xã hội hóa để tạo nguồn duy trì Hội đánh bài chòi cổ dân gian. Kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn di sản là hướng đi đúng đắn, song, để đảm bảo di sản được bảo tồn, phát huy hiệu quả, không nên chỉ là nỗ lực của một tổ chức, địa phương hay nhóm người nào.
Sự hiện diện của Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn góp phần khẳng định một điều: di sản đang sống, đang được diễn xướng. Chỉ riêng điều này, Hội đánh bài chòi xứng đáng được quan tâm, duy trì tổ chức.
1.
Hội đánh bài chòi cổ dân gian (gọi tắt là Hội đánh bài chòi) ở Quy Nhơn được Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đưa vào tổ chức thường xuyên định kỳ 3 tối cuối tuần từ Tết năm 2012 (trừ những tháng mùa mưa).
Quyết định phục hồi trò chơi dân gian đặc sắc này, đưa nó đến với người dân thường xuyên hơn, tạo ra sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn ở Quy Nhơn, đồng nghĩa với việc đơn vị tổ chức thực hiện - Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn - đã tự đẻ thêm việc cho mình, tự đặt lên vai mình gánh nặng. Nhưng họ đã thành công!
Được biết, trung bình mỗi năm, Hội này cần khoảng 40 triệu đồng để hoạt động. Trong đó, nguồn thu từ bán thẻ (cho người lên chòi chơi) chỉ được chừng 1/3, còn lại 2/3 do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn lấy kinh phí hoạt động của đơn vị bù vào. Khó khăn như vậy nhưng Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn cũng đã đi được chặng đường khá dài.
Song, hiện tại, Hội đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng vô thời hạn vì nguồn bù lỗ đã cạn. Nếu chỉ tính đến nguồn thu từ bán vé thì không đủ để tổ chức. Không đành lòng, một số nghệ nhân, nhà hảo tâm mộ điệu loại hình nghệ thuật đang được đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này - nỗ lực vận động tài trợ.
Nghệ nhân trẻ Quý Nhất tâm sự: “Là hiệu gắn bó lâu năm với Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn, tôi rất mong Hội được duy trì, để bài chòi có thêm cơ hội trở lại trong nhân dân. Hiện tại, quỹ để tổ chức Hội còn… 320 ngàn đồng. Anh em thống nhất vẫn diễn xướng phục vụ bình thường như khi có thù lao, hết 2 đợt cuối tuần của tháng 5.2017 này rồi tính.”
Được biết, nghệ nhân Quý Nhất - đại diện cho nguyện vọng của một số nghệ nhân cộng tác với Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn lâu nay, đề xuất lên lãnh đạo Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn hướng vận động xã hội hóa để tiếp tục duy trì Hội. Hiện đã có được khoảng 10 triệu đồng, đủ cho Hội duy trì thêm vài tháng.
2.
Vận động xã hội hóa, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy di sản là chủ trương được Nhà nước khuyến khích, một hướng đi, cách làm đã chứng minh tính hiệu quả trong những năm qua. Sẽ không có gì để nói nếu việc vận động cho lại kết quả cao, tức là có nguồn thu đảm bảo cho hoạt động đạt kết quả như mong muốn.
Tuy vậy, điều ai cũng biết là kết quả vận động xã hội hóa phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Liên hệ với câu chuyện cạn quỹ (ngân sách) và bắt đầu tìm nguồn mới để duy trì hoạt động của Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn, thiết nghĩ, để đảm bảo cho di sản được bảo tồn, phát huy hiệu quả, không nên chỉ là trách nhiệm, nỗ lực của một ngành, đơn vị như Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn hay những con người như nghệ nhân Quý Nhất và các nhà hảo tâm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha kể: “Tại Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” (do Viện Âm nhạc phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức - tại Bình Định tháng 1.2015), phát biểu kết luận Hội thảo, một trong những nhiệm vụ mà Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đặt ra cho các tỉnh miền Trung có chung di sản bài chòi, là: giao Sở VH-TT&DL lập kế hoạch, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để tổ chức phổ biến các hoạt động bài chòi dân gian ra các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ này chưa thấy Bình Định thực hiện”.
Trong những năm qua, với nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, trong đó Hội đánh bài chòi là hình thức ra đời đầu tiên và phổ biến hơn (so với hình thức còn lại là sân khấu bài chòi trải chiếu), tỉnh đã đầu tư rất lớn để bảo tồn, phát huy. Từ việc đầu tư thực hiện thành công Dự án Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định; đưa trò chơi dân gian đặc sắc này đến TP Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội; đầu tư cho công tác làm hồ sơ khoa học; tổ chức hội thảo quốc tế tại Bình Định… Tất cả những điều này thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với di sản đặc sắc của quê hương, hướng đến “giấc mơ” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên, để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc chứng minh di sản ấy đang sống, thực tế đang được biểu diễn, được thưởng thức là cực kỳ quan trọng. Thậm chí, sự hiện diện của di sản trong đời sống đương đại, mức độ am hiểu, gần gũi của nhân dân đối với di sản có giá trị, sức mạnh hơn rất nhiều các danh hiệu!
Cần phải thấy rằng, việc đầu tư, duy trì ổn định, tổ chức đảm bảo chất lượng Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn (và cần nhân rộng thêm ở một số địa phương khác trong tỉnh) là việc cần đến vai trò của tỉnh chứ không nên mãi là “việc nội bộ” của Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn.
Nỗ lực của đơn vị này qua các năm là đã rất đáng ghi nhận và trong tình hình khó khăn hiện tại, họ cần được tiếp sức. Bên cạnh đó, cũng vì chi phí cho hoạt động phải dè xẻn mà chất lượng còn một số điểm cần khắc phục như: có ít hiệu chơi tại mỗi đêm, làm giảm sức hút đối với khán giả hoặc giá thẻ (hiện đã giảm từ 50.000 xuống 30.000 đồng từ cuối 2016) vẫn khá cao, chưa thực sự khuyến khích người chơi. Phải xác định mục đích tổ chức và duy trì Hội đánh bài chòi là để phục vụ người dân, du khách và bảo tồn, phát huy di sản. Dùng ngân sách hay xã hội hóa, hay kết hợp cả hai đều được cả, nhưng quan trọng là trách nhiệm thuộc về ai, tổ chức nào để thật sự hiệu quả. Không thể để hoạt động cầm chừng, vừa hoạt động vừa lo hết tiền, trông cậy vào một vài cá nhân tâm huyết đơn độc đi vận động tài trợ để duy trì như vậy.
Nhà nghiên cứu văn hóa NGUYỄN AN PHA
SAO LY
Theo tôi việc duy trì Hội bài chòi tại TP Quy Nhơn (nói riêng) là rất tốt, nhưng địa điểm bố trí hiện nay chưa hợp lý, chưa đến gần với khan giả nhất là giới trẻ. Nên bố trí Hội Bài Chòi này tại một góc Khu vực Quảng trường thành phố, nơi có nhiều du khách và các bạn trẻ đi dạo chơi thì sẽ thu hút được nhiều hơn. Về nguồn kinh phí: nên giao việc trông giữ xe gắn máy, xe đạp cho Hội này trong tất cả các ngày thì không lo thiếu kinh phí hoạt động.