Tăng huyết áp - đừng để “biết thì đã muộn”
Tăng huyết áp không có biểu hiện cụ thể bên ngoài, nhưng những biến chứng của căn bệnh này hết sức nặng nề, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, lời khuyên của các bác sĩ là cần biết được trị số huyết áp của chính mình để có thái độ phù hợp.
Các bác sĩ thuộc Đơn vị phòng chống tăng huyết áp BVĐK tỉnh đo huyết áp và tư vấn cho sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn.
“Kẻ giết người” lặng lẽ
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỉ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. Năm 2005, trong số 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong của 7,1 triệu người.
Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỉ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỉ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.
Chính vì vậy, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình phòng chống tăng huyết áp. Hội tăng áp thế giới cũng đề xuất thành lập Ngày Tăng huyết áp thế giới, lấy ngày 17.5 là ngày chính thức, nhằm đánh động đến các cấp chính quyền, các ban ngành, người dân, phải có ý thức về tăng huyết áp, từ đó có thái độ đúng trong việc phòng, chống tăng huyết áp.
Bác sĩ Phan Nam Hùng, Phó trưởng Khoa Nội Tim mạch - Trưởng đơn vị phòng chống tăng huyết áp BVĐK tỉnh - Tổng thư ký Hội Nội khoa Việt Nam, cho biết: “Người ta nhận thấy tỉ lệ tăng huyết áp ngày càng có khuynh hướng tăng lên. Theo một số đề tài nghiên cứu, đến nay tỉ lệ người huyết áp cao ở Việt Nam là khoảng 20%. Điều đáng nói là hầu hết những người huyết áp cao không có biểu hiện khác biệt bên ngoài, nó âm ỉ bên trong và như con dao “giết người” thầm lặng, đến khi bùng ra mới có biến chứng. Biểu hiện phổ biến là gây nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, suy thận… Khi đó, đe dọa tạo nên gánh nặng cho xã hội, người nhà bệnh nhân; bản thân bệnh nhân cũng có chất lượng sống thấp.
“Biết trị số huyết áp như biết tuổi của mình”!
Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Đơn vị phòng chống tăng huyết áp, với mục tiêu quản lý bệnh nhân bị tăng huyết áp, cấp thuốc mỗi tháng một lần.
Vấn đề Hội tăng huyết áp thế giới mới đặt ra là việc các bệnh nhân được quản lý coi như tạm ổn, nhưng số người cả đời chưa được đo huyết áp bất kỳ một lần nào thì sao? Do đó, chương trình Tháng Năm đo huyết áp (May Measurement Month) nhằm phát hiện những bệnh nhân huyết áp cao và có cách tư vấn cho họ phương pháp phòng và chống tăng huyết áp.
Hưởng ứng Ngày Tăng huyết áp thế giới (17.5), trong hai ngày 12 và 13.5 vừa qua, Đơn vị phòng chống tăng huyết áp BVĐK tỉnh đã tổ chức đo và tư vấn huyết áp miễn phí cho hàng trăm sinh viên, cán bộ của Trường Đại học Quy Nhơn.
Ngày 14.5, đoàn tiếp tục đo, tư vấn miễn phí cho khách hàng đến mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn. Trong tháng 5, Đơn vị phòng chống tăng huyết áp sẽ tổ chức đo huyết áp và tư vấn cho người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội Tim mạch BVĐK tỉnh. Mục tiêu là giúp mọi người dân nắm được kiến thức, thái độ và cách phòng chống tăng huyết áp đúng đắn.
Bác sĩ Phan Nam Hùng cho biết: “Hiện nay, đời sống ngày càng cao, lối sống của nhiều người có xu hướng thụ động, thường xuyên ngồi trên máy vi tính, ít vận động, do đó tỉ lệ béo phì tăng. Điều đó rất dễ dẫn đến xơ vữa động mạch, là nguyên nhân tăng huyết áp. Ngược lại, tăng huyết áp cũng sẽ dẫn đến xơ vữa động mạnh như vòng xoắn bệnh lý. Do đó, nếu có cách thay đổi lối sống của những người trẻ, như tăng cường hoạt động, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống hợp lý thì giảm được nguy cơ về huyết áp cao”.
Lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tăng huyết áp:
* Tất cả mọi người đều nên biết trị số tăng huyết áp của mình như chính tuổi của mình, như vậy mới có ý thức đề phòng những biến chứng.
* Ít nhất 6 tháng phải kiểm tra huyết áp một lần. Nhưng tốt nhất nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.
* Nếu phát hiện bị tăng huyết áp thì một là phải thay đổi lối sống, hai là tìm đến những nhà chuyên môn để đưa ra hướng chữa trị, đưa về mức huyết áp mục tiêu để tránh gây ra các biến chứng ở các cơ quan đích như tim, não, thận.
* Ngay cả khi được điều trị, đưa về mức huyết áp mục tiêu, bệnh nhân cũng không được chủ quan, bởi có nhiều trường hợp bị tăng huyết áp đề kháng thuốc, do tự ý ngưng dùng thuốc, không chịu thay đổi chế độ ăn uống, thói quen ít vận động…
LÊ CƯỜNG