Giữ lửa nghề rèn
Dù trải qua bao thăng trầm theo thời gian cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhưng nghề rèn ở Phước An (huyện Tuy Phước) vẫn cứ lặng lẽ tồn tại như mạch ngầm âm ỉ. Sản phẩm từ các lò rèn ở đây đã vươn ra ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng ngàn lao động sản xuất nông, lâm nghiệp.
Anh Phạm Bá Phước đang sản xuất.
Trong tổng số gần chục lò rèn lớn nhỏ hiện có trên địa bàn xã Phước An phải kể đến 2 lò rèn nổi tiếng từ trước đến nay, đó là lò rèn ông Võ và lò rèn ông Sĩ ở thôn An Sơn 2.
Ông Phạm Võ, 90 tuổi, đầu tóc bạc phơ, dáng người thấp nhỏ nhưng vẫn còn chứa đựng sự dẻo dai của một thợ rèn năm xưa. Ông kể rằng nhà ông gắn bó với nghề rèn đã 5 đời nay và gốc ở làng rèn Phương Danh (phường Đập Đá - TX An Nhơn). Thời gian trôi qua, các thế hệ nhà ông nối tiếp nhau làm nghề rèn nhờ giữ vững chữ tín và chú trọng chất lượng sản phẩm trên cơ sở thay đổi mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Còn lò rèn của ông Phạm Sĩ đến nay đã nhân lên thành 3 lò, một ở Phước An, một ở Vân Canh và một ở thị trấn Diêu Trì.
Anh Phạm Bá Phước, người thừa kế lò rèn của cha mình là ông Phạm Sĩ, chia sẻ: “Mặc dù nguồn nguyên liệu (sắt, thép) hiện nay phải lấy ở Đập Đá và nguồn nhiên liệu để nung phải tận dụng than từ các lò sấy gỗ, nhưng các cơ sở sản xuất của 3 anh em chúng tôi đều hoạt động ổn định, thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm truyền thống như liềm, cuốc, dao, rựa... được khách hàng chấp nhận về mẫu mã cũng như giá cả hợp lý (từ 80 - 150 ngàn đồng/sản phẩm). Những người làm nghề rèn hôm nay phải biết đáp ứng yêu cầu của khách hàng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm mới tồn tại và phát triển”.
Ông Lê Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An, nhìn nhận: “Tuy nghề rèn ở Phước An không nổi tiếng bằng làng rèn Phương Danh - Đập Đá, TX An Nhơn, nhưng với gần chục cơ sở lớn nhỏ nằm rải rác trên địa bàn 10 thôn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất của người dân, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập đáng kể, góp phần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã”.
KIM CƯƠNG