Hình tượng Bác Hồ trong thơ ca Việt Nam
“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại” (Thuận Yến). Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên được mối liên hệ kỳ diệu giữa Bác Hồ và tình yêu thương, niềm tin tưởng, tự hào của nhân dân Việt Nam, của nhân loại tiến bộ. Cũng dễ hiểu, Bác là hiện thân của sự kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc và quốc tế. Do đó, không chỉ các nhà thơ Việt Nam mà nhiều nhà thơ lớn trên thế giới đã lấy hình tượng Bác Hồ làm cảm hứng và đối tượng thẩm mỹ viết nên những áng thơ. Cũng là một quy luật: Thơ hay khi có cảm hứng cháy bỏng về một đối tượng giàu có, đa dạng, phong phú, sâu sắc hàm lượng văn hóa.
Có một đặc điểm chung dễ thấy là dù tiếp cận đối tượng ở nhiều góc độ, bằng nhiều thể thơ, với cảm hứng khác nhau, nhưng tất cả các bài thơ viết về Bác Hồ đều chân thành, cảm động. Viết về Bác với tư cách lãnh tụ tối cao, như Tố Hữu, thời kỳ đầu còn có phần “lên giọng”, với “Người lính già/ Đã quyết chiến hy sinh”, là “quân cảm tử đi tiên phong”. Tuy nói đúng về tầm vĩ đại của Bác nhưng vẫn có gì đấy còn kiểu cách: “Hồ Chí Minh/ Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng/ Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc/ Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc/ Bạn muôn đời của thế giới đau thương!”. Càng về sau, được gần gũi, được hiểu Bác hơn, nhất là được sống trong không khí cả nước hướng về Bác thì thơ Tố Hữu trở về đúng với bản sắc trữ tình tha thiết, diễn tả thật hay hình tượng Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ mà còn là hiện thân của tâm hồn, trí tuệ dân tộc hôm qua và hôm nay: “Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…”. Tố Hữu là một trong những nhà thơ nói đúng và tinh tế nhất về Bác. Bác là “ngọn hải đăng”, là người dẫn đường chỉ lối, Bác là niềm tin và sức mạnh: “Mỗi khi lòng ta xao xuyến, rung rinh/ Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!/ Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi”…
Thơ hay chinh phục lòng người ở hình tượng thấm đẫm cảm xúc. Tư tưởng cũng chuyển hóa thành cảm xúc. Sinh thời Xuân Diệu rất tâm đắc với hai câu thơ mình viết về Bác: “Trên đầu tóc Bác sương ghi/ Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con”. Không hề nói Bác là lãnh tụ mà người đọc vẫn thấy Bác là lãnh tụ, không hề nói Bác là người Cha mà người đọc vẫn cảm thấy Bác như cha mình đang lo lắng, chăm chút từng đứa con…
Bác Hồ là hiện thân của cái đẹp cao cả dành trọn cuộc đời mình vì nước vì dân. Mà cái đẹp luôn là đối tượng của thơ ca, nên dễ hiểu nhiều nhà thơ lớn luôn bị hấp dẫn bởi bức tượng đài kỳ vĩ hoành tráng mà rất mực chân thực, chân tình, giản dị. Các tác phẩm: Theo chân Bác, Sáng tháng Năm, Bác ơi… (Tố Hữu); Người đi tìm hình của Nước, Người thay đổi đời tôi-Người thay đổi thơ tôi (Chế Lan Viên); Thơ dâng Bác Hồ (Xuân Diệu); Bác Hồ ơi (Huy Cận)… đã dựng lại bức tượng đài Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ thơ chân thành, lắng đọng và rất gợi cảm. Dĩ nhiên mỗi người khai thác vẻ đẹp ở các góc độ khác nhau. Như Tố Hữu hay đặc tả đôi mắt ("Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!"; "Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời"…), Thanh Tịnh lại khắc họa cử chỉ Bác trên một chuyến đò: “Cụ già dáng rất dịu hiền/ Đưa tay tôi vịn, tôi vin vững dần… Trăm năm nhớ một chuyến đò/ Chênh vênh lại được Bác Hồ cầm tay” (Trăm năm nhớ một chuyến đò).
Hầu như nhà thơ nào cũng đề cập tới phẩm chất, tình thương yêu của Bác. Thơ Tố Hữu có sức khái quát lớn: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”; kết hợp khái quát và cụ thể: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa” nên hình tượng thơ như vừa được đẩy lên cao, thành kính, trang trọng, vừa như được kéo gần lại, ấm áp, gần gũi. Minh Huệ trong bài thơ nổi tiếng Đêm nay Bác không ngủ cứ như tạc lại hình tượng Bác trầm tư bên ánh lửa. Đúng là tạc tượng Bác bằng cảm xúc. Cảm xúc khơi nguồn cảm xúc, để làm bật ra tứ thơ hay: “Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng/ Rải lá cây làm chiếu/ Manh áo phủ làm chăn…”. Xu hướng chung là các nhà thơ đi vào các chi tiết cụ thể để gợi lên sự lan tỏa, sức chinh phục của đối tượng thẩm mỹ. Từ chi tiết “cái giếng”, Phan Thị Thanh Nhàn đã để hình tượng đi vào chiều sâu đầy ngẫm ngợi: “Bác về, gửi gạch tặng dân/ Giếng đầu tiên ấy ở sân đình làng/ Tròn xoe dưới một tán bàng/ Ôi gàu nước mát đầy tràn thương yêu/ Lòng Cha chia khắp xóm nghèo/ Thẳm sâu mạch nước trong veo giếng này...” (Giếng nước Bác Hồ). Không còn là chuyện nước giếng mà cao hơn là chuyện “uống nước nhớ nguồn”… Liên tưởng của nhà thơ Nguyễn Bao khá đặc sắc, từ “trăng” trong thơ Bác Hồ đến trăng ngoài tự nhiên rồi “trăng” trong thơ mình: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Trăng soi bóng Bác, bây giờ càng trong/ Bác cho con cả núi sông/ Gương trăng vằng vặc sáng dòng thơ con” (Gương trăng). Có ba không gian “trăng” không đồng nhất nhưng thống nhất bật ra cái tứ: Bác góp phần giành lại giang sơn cho dân tộc, Bác còn soi đường mỗi bước con đi… Nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa qua Ảnh Bác tái tạo một không gian nghệ thuật mới chân thực, dân dã, bình dị: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà/… Em nghe như Bác dạy lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/ Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi”. Người ta vẫn thấy lời thơ có gì đấy hơi già dặn so với lứa tuổi tác giả, nhưng sự đồng cảm đã làm quên ngay cảm giác đó vì Trần Đăng Khoa đã nói thay, nói hộ hàng triệu trái tim: Tất cả đều hướng về Bác. Đúng như câu thơ của Tố Hữu: "Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước”.
Thơ hay là thơ của cá nhân mang tính cá thể cao nhưng phải nói lên được tiếng nói đồng vọng của nhiều người. Giấc mơ là của riêng nhưng nói lên cảm xúc chung, như trong bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ của Thanh Hải: “Đêm nằm cháu những chiêm bao/ Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam/ Cổng chào dựng chật đường quan…/ Bác cười thân mật biết bao/ Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu/ Ung dung Bác vuốt chòm râu/ Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười”. Thì đó là giấc mơ của cả chục triệu người. Độc giả nào cũng có thể hình dung mình là một trong số những người được đón Bác vào thăm miền Nam!
Có thể đổi mới thơ rất nhiều về hình thức nhưng cái không thể thay thế là cảm xúc, bởi thiếu nó sẽ không có thơ. Trở lên đã phần nào chứng minh thơ viết về Bác Hồ hay vì có cảm xúc chân thực, nồng nàn. Ở đây xin nhấn sâu hơn về tình cảm của các nhà thơ khi Bác Hồ qua đời. Là biểu tượng cho tâm hồn, tình cảm, ý chí, niềm tin của cả dân tộc nên khi Người ra đi là một tổn thất lớn lao. Câu thơ của Việt Phương không thể chân thực hơn, khóc Bác, thương Bác và ca ngợi Bác. Ca ngợi tình thương con người của Bác thật vô hạn. Lời thơ tự nhiên mà thấm: “Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ, bị ướt/ Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui” (Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương). Nhà thơ Hải Như thay lời triệu trái tim nhắc nhở nhau cùng canh giấc ngủ của Người: “Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa/ Trăng ơi trăng, hãy yên lặng cúi đầu/ Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ”. Nhà thơ Viễn Phương thì tự nguyện, cũng là lời tự nguyện của bao trái tim miền Nam - mà sinh thời Bác luôn đau đáu: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác/ Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”...
Bác Hồ là hiện tượng của văn hóa nhân loại thế kỷ 20, là hiện tượng “nói mãi không cùng”, nhất là với các chuyên ngành văn học nghệ thuật. Vì là đối tượng lớn, tiềm tàng nhiều mã văn hóa nên có quá nhiều tác giả, quá nhiều thể loại tham gia “đồng sáng tạo”; có khi xảy ra trường hợp “dân gian hóa”, ví như bài thơ của Bảo Định Giang có tên Đẹp nhứt: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm”. Bài ca ngắn gọn mà nói thay được nhiều tâm trạng, thế là qua con đường “truyền khẩu dân gian” người ta “đánh rơi” tên tác giả mà thay vào hai chữ “ca dao”. Tác giả Bảo Định Giang không phải là người thiệt thòi, mà ngược lại, thật tự hào vì đã góp phần sáng tạo hai câu ca bất tử. Cũng là một chứng minh hình tượng Bác sống mãi trong thơ ca!
Theo NGUYỄN THANH TÚ (QĐND)