Kết quả bầu cử Tổng thống Iran ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại như thế nào?
Hôm nay (19.5), cử tri Iran sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống mới trong một cuộc bầu cử được xem là sự cạnh tranh giữa phe bảo thủ và phe cải cách.
Những người ủng hộ đương kim Tổng thống Hassan Rouhani chụp hình trước các biểu ngữ tranh cử của ông.
Hai ứng cử viên chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống Iran là đương kim Tổng thống Hassan Rouhani, đại diện cho phe cải cách và thẩm phán Ebrahim Raisi, đại diện cho phe bảo thủ và là nhân vật thân cận với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.
Kết quả của cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ định hình chính trị trong nước trong những năm tới, nhưng liệu ảnh hưởng thế nào đến chính sách đối ngoại của Iran?
Theo nhà phân tích chính trị Marwan Bishara, cuộc bầu cử Tổng thống Iran có ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước nhiều hơn, vì về chính sách đối ngoại, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei mới là nhân vật quyết định.
An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Iran đều nằm trong tay của ông Khamenei và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC).
Theo đó, mặc dù Tổng thống Iran là người đứng đầu SNSC, nhưng bất kỳ quyết định nào của hội đồng này phải được lãnh tụ tối cao thông qua trước khi có hiệu lực.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chiếc ghế Tổng thống Iran không có tác động gì đến bên ngoài.
Điều này được thể hiện ở sự thay đổi lớn về môi trường khu vực và chiến lược giữa hai đời Tổng thống Ahmadinejad và Rouhani.
Trong suốt nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Washington luôn sẵn sàng ký thỏa thuận về hạt nhân với Tehran, trong khi Iran cũng ở vị thế mạnh hơn nhờ tiến triển trong chương trình làm giàu hạt nhân, cũng như do Mỹ thất bại ở Iraq, Afghanistan, Syria và Libya.
Ngoài ra, sự trì trệ về kinh tế của Iran dưới thời cựu Tổng thống Ahmadinejad là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Rouhani phải có nhiệm vụ phá vỡ sự cô lập về ngoại giao của Iran, cũng như thúc đẩy nền kinh tế bằng đầu tư và lợi nhuận từ dầu mỏ.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cũng nhận thức rõ về các thách thức và cơ hội phía trước, nên để cho chính phủ của ông Rouhani ký thỏa thuận với Mỹ và cải thiện quan hệ kinh tế với phương Tây.
Nhìn chung, theo ông Bishara, trong thời gian tới Iran nhiều khả năng vẫn tiếp tục chính sách đối ngoại thực tế với Mỹ và phương Tây.
Lê Quảng (theo Al Jazeera)