Chớ để “sự đã rồi”!
Từ xa xưa, ông bà ta thường răn dạy “chớ để sự đã rồi” với hàm ý nhắc nhở mọi người trong cuộc sống đừng vì chủ quan, hay tính toán thiệt hơn với những cái nhỏ trước mắt mà để dẫn tới hậu quả hoặc thiệt hại lớn hơn gấp nhiều lần về lâu dài. Từ hàm ý này, đem vận vào câu chuyện mua bảo hiểm cho sức khỏe của dân mình lâu nay thì mới thấy lời răn này thật là thấm thía.
Cho đến thời điểm này mới chỉ có trên 80% dân số cả nước có tham gia mua bảo hiểm y tế (BHYT). Phần lớn trong số này thuộc diện bắt buộc hoặc được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hay một phần theo chính sách an sinh xã hội, số còn lại thuộc diện mua BHYT tự nguyện. Trước đây giá viện phí thấp nên những người không có BHYT khi khám chữa bệnh (KCB) phải chi trả 100% nhưng vẫn cảm thấy chưa mấy áp lực.
Tuy nhiên, từ ngày 1.6 tới đây, khi các cơ sở y tế công lập áp dụng giá viện phí mới theo quy định Thông tư số 02/2017 của Bộ Y tế thì giá của trên 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng và áp dụng đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
Việc tăng giá dịch vụ y tế nằm trong lộ trình tiến tới từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và nhằm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Giá dịch vụ y tế mới là có kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành viện phí nên nhiều dịch vụ y tế sẽ có mức tăng 2 - 4 lần so với giá cũ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao thì mức chi tăng rất cao. Việc điều chỉnh giá viện phí sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT. Với những người tham gia BHYT, khi phải KCB thì được quỹ BHYT cùng chi trả chi phí KCB tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Nhưng với những người không có BHYT thì họ sẽ phải chi trả toàn bộ 100% chi phí KCB mỗi khi đau ốm với những khoản tiền không hề nhỏ.
Bộ Y tế cho biết, việc tăng viện phí tới đây sẽ không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; đối với những người không có thẻ BHYT thì sẽ không đồng loạt mà sẽ được triển khai thành 3 đợt nhằm hạn chế những tác động của việc tăng viện phí. Tuy nhiên, khi viện phí tăng đúng theo lộ trình, thì gần 20% còn lại chưa tham gia BHYT đương nhiên phải tự “gánh” mọi chi phí khi xảy ra ốm đau, nhất là không may mắc phải bệnh tật nan y phải chữa trị dài ngày, vô cùng tốn kém.
Để không phải tự gánh chịu gánh nặng chi phí y tế mà có thể bằng cả một gia tài này thì cách tốt nhất, tối ưu nhất là mọi nên tham gia BHYT.
Chớ để… “sự đã rồi”!
H.Đ