Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới
Thủy lợi (tiêu chí số 3) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ưu tiên hỗ trợ các địa phương tập trung kiên cố hóa hệ thống kênh mương, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kiên cố hóa 1.340 km kênh mương nội đồng
Theo Văn phòng Điều phối XDNTM thuộc Sở NN&PTNT, từ năm 2011, khi tỉnh ta bắt tay vào thực hiện Chương trình XDNTM, xác định xây dựng kiên cố hệ thống thủy lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân, đơn vị đã tham mưu Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, cùng với huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa kênh mương. UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ xi măng giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình này.
Kiên cố hóa kênh mương phục vụ tưới tiêu ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Ông Đào Văn Hùng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh - cho biết: Đến nay, qua hơn 6 năm thực hiện, 122 xã XDNTM trên địa bàn tỉnh đã bê tông hóa được 1.340 km/2.944 km kênh mương nội đồng (KMNĐ), đạt trên 45% tổng chiều dài kênh mương toàn tỉnh. Nhờ vậy, đã đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu cho hơn 120 ngàn ha lúa và hoa màu, chiếm tỉ lệ 80% tổng diện tích gieo trồng hàng năm trong toàn tỉnh.
Theo kế hoạch đăng ký cụ thể của các địa phương về thực hiện kiên cố hóa kênh mương trong năm nay, gồm: TX An Nhơn 56,12km; Tuy Phước 38,7km; Phù Cát 26,3km; Phù Mỹ 22,55km; Tây Sơn 21,3km; Hoài Nhơn 19,37km; Vĩnh Thạnh 8,21km; TP Quy Nhơn 2km; An Lão 1,016km; Vân Canh 0,7km.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Xác định tiêu chí thủy lợi là khâu đột phá quan trọng trong XDNTM, huyện đã tranh thủ nguồn xi măng và vốn hỗ trợ của tỉnh để đẩy mạnh việc kiên cố hóa hệ thống KMNĐ. Đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa được trên 92 km KMNĐ. Cùng với đó, nhiều công trình đập dâng, đê sông, đê biển cũng được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu tại địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 6/11 xã về đích NTM; phấn đấu đến cuối năm nay có thêm 2 xã nữa về đích gồm Phước Hiệp và Phước Hòa”.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: Đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 15 hồ chứa nước lớn và gần 700 km kênh mương thủy lợi, hàng năm đảm bảo tưới cho gần 60.000 ha lúa, hoa màu, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản ở các xã khu Đông Tuy Phước, Quy Nhơn. Để từng bước kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi giúp các xã khu vực nông thôn XDNTM, từ nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí của Trung ương, mỗi năm, đơn vị đầu tư từ 18 - 20 tỉ đồng để bê tông hóa từ 10 - 15 km kênh mương cấp 1, cấp 2. Nhờ vậy, đến nay trong tổng số gần 700 km kênh mương do đơn vị quản lý đã có trên 450 km kênh được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình kiên cố hóa kênh mương đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm được lượng nước tưới đáng kể, thời gian tưới cũng nhanh hơn.
Tiếp tục hỗ trợ
Ông Phan Thanh Tùng, phụ trách bộ phận kế hoạch và phát triển hạ tầng Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, đánh giá: Việc thực hiện tiêu chí thủy lợi trong XDNTM đã mang lại kết quả khả quan. Nhờ tập trung kiên cố hóa kênh mương đã góp phần tăng hiệu quả tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 38 xã về đích XDNTM; có 82 xã/122 xã đạt tiêu chí thủy lợi, chiếm tỉ lệ 67%. Đáng ghi nhận là trong các năm từ 2013 đến nay, tổng kinh phí để thực hiện bê tông hóa kênh mương thủy lợi trên 245 tỉ đồng. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con nhân dân rất hưởng ứng chương trình kiên cố hóa kênh mương; đồng thời tự nguyện hiến đất để cùng với chính quyền bê tông hóa hệ thống kênh mương. Ngành Nông nghiệp tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ bê tông hóa 1.772 km KMNĐ.
Trong năm 2017 này, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện kiên cố hóa kênh mương với tổng chiều dài 221,47km, tổng diện tích tưới 15.217 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ theo chính sách kiên cố hóa kênh mương gần 77,2 tỉ đồng, bao gồm hỗ trợ bằng xi măng 16.873 tấn và hỗ trợ bằng tiền 50,5 tỉ đồng.
Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương năm 2017 mang lại hiệu quả, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT hướng dẫn các xã sớm lập hồ sơ thiết kế, lập dự toán xây dựng theo đúng các quy định về quản lý đầu tư hiện hành. Đồng thời, tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính làm việc cụ thể với Nhà máy xi măng Diêu Trì tiến hành cung ứng nguồn xi măng đến tận chân công trình. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ nguồn xi măng cho 10 xã về đích NTM năm 2017 và các địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới.
Theo chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương của tỉnh, để xây dựng hệ thống kênh mương tưới cho 100 ha cây trồng, ngân sách tỉnh chi hỗ trợ 128 tấn xi măng và 126 triệu đồng xây lắp. Xây dựng kênh tưới cho 75 ha được hỗ trợ 89 tấn xi măng và 111 triệu đồng xây lắp. Xây dựng kênh tưới cho 50 ha được hỗ trợ 75 tấn xi măng và 88 triệu đồng xây lắp. Xây dựng kênh tưới cho 25 ha được hỗ trợ 54 tấn xi măng và 69 triệu đồng xây lắp.
NGUYỄN HÂN