Văn nghệ sĩ Bình Ðịnh ở trại sáng tác Vũng Tàu: “Mùa” thu hoạch tác phẩm
Từ ngày 4 - 15.5, 15 hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Bình Ðịnh ở 7 chuyên ngành đã trải qua đợt tham gia trại sáng tác đầy bổ ích tại Nhà sáng tác Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ đây, 56 tác phẩm đã ra đời…
Đây là hoạt động do Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT (thuộc Bộ VH-TT&DL) đài thọ. 15 trại viên Bình Định dự trại, thuộc 7 chuyên ngành, gồm: văn học (6 người), âm nhạc (2), mỹ thuật (2), nhiếp ảnh (2), múa (1), VHNT các dân tộc thiểu số (1), văn nghệ dân gian (1).
Đoàn văn nghệ sĩ Bình Định chụp ảnh lưu niệm đợt tham gia trại sáng tác tại Vũng Tàu - tháng 5.2017.
1.
Hội viên Hội VH-NT Bình Định dự trại sáng tác kỳ này có đại diện ở 8/9 chuyên ngành (trừ Sân khấu). Thành phần hội viên cũng đa dạng, từ trại viên cao tuổi nhất đoàn là Yang Danh ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh đến 2 hội viên mới của Chi hội Văn học là Thùy Trang, Mỹ Tiên lần đầu được tham gia trại sáng tác do Bộ VH-TT&DL tổ chức.
Nhà sáng tác Vũng Tàu trong gần 2 tuần mà văn nghệ sĩ Bình Định dự trại gần như “lãnh địa riêng” của đoàn. Bởi, thời điểm đó chỉ có đoàn trại viên Bình Định đến lưu trú và chuyên tâm sáng tác. Tuy có chút buồn vì thiếu không khí giao lưu hay những chuyến tham quan, thăm thú đây đó, nhưng cũng nhờ đó mà nhiệm vụ, mục đích quan trọng nhất là sáng tác không bị chia sẻ về thời gian, độ tập trung… Vậy nên, với mỗi trại viên, 12 ngày đi trại sáng tác vừa qua thật sự là chuỗi ngày của miệt mài sáng tạo.
Hai tay máy Nguyễn Văn Hà, Phan Đình Trung hào hứng đi săn ảnh đẹp về phong cảnh, con người Vũng Tàu. Hai cây cọ Trần Tuấn và Trần Minh Tấn cần mẫn bên giá vẽ, bế mạc trại đã kịp hoàn thành mỗi người 4 bức tranh.
Tâm hồn nhạy cảm với Vũng Tàu và ý thức tập trung cho sáng tác đã giúp nhạc sĩ Minh Phúc cho ra đời ngay 2 ca khúc về địa phương này: “Vũng Tàu, trăm nhớ ngàn thương”, “Vũng Tàu và em”. Là đại diện duy nhất của chuyên ngành múa, biên đạo Hoàng Việt đã trải qua kỳ sáng tác sung mãn khi viết xong 3 kịch bản múa, đều về múa dân tộc thiểu số, mảng mà múa Bình Định đang cần nhưng thiếu. Các cây bút văn xuôi Trần Quang Lộc, Phạm Kim Sơn, Nguyễn Đặng Thùy Trang (Mẫu Đơn) đều trình làng những truyện ngắn, truyện dài được đánh giá cao về chất lượng…
Bức tranh “Giấc mơ lạ” - sáng tác ra đời tại trại sáng tác Vũng Tàu của họa sĩ Trần Tuấn.
2.
Với vai trò Trưởng đoàn, ông Trần Xuân Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian, đã có những đánh giá ban đầu về sáng tác của trại viên cũng như hiệu quả từ chuyến dự trại sáng tác này. Theo đó, 15 tác giả dự trại, kết quả có được là 56 tác phẩm với hơn 520 trang in. Tác phẩm có dung lượng ngắn nhất trong 1 trang in, dài nhất là 80 trang (nghiên cứu văn học, về: Phạm Hổ - nhà văn của thiếu nhi, tác giả: Lê Nhật Ký). Cụ thể hơn: 3 kịch bản múa, 4 ca khúc, 8 bức tranh, 10 tác phẩm ảnh, 9 truyện ngắn và 1 truyện dài cho thiếu nhi, 11 bài thơ, còn lại là các bài, công trình nghiên cứu văn học và nghiên cứu, biên soạn văn nghệ dân gian về tác giả, vấn đề mang dấu ấn địa phương Bình Định.
“Từ khi có kế hoạch tham gia, tự trong ý thức hội viên và thêm khâu quán triệt của Hội VH-NT tỉnh, trại viên đều nghiêm túc trong chuẩn bị đề cương, nuôi dưỡng ý tưởng…, vì ý nghĩa và hướng đến thực chất của việc tham gia trại sáng tác. Mọi người coi quãng thời gian dự trại là một dịp được tạm bứt ra khỏi công việc, nhịp sống đời thường để tập trung cho đam mê nghệ thuật, đúng nghĩa là nơi “thai nghén”, “sinh nở” tác phẩm. Kết quả cho thấy, số lượng tác phẩm sáng tác ngay tại trại, về đề tài hoặc lấy bối cảnh Vũng Tàu khá lớn, không chỉ nhiếp ảnh mà cả thơ, truyện ngắn, âm nhạc… Kết hợp với những tác phẩm lẻ hoàn chỉnh hay những tác phẩm văn xuôi, công trình nghiên cứu còn cần tiếp tục hoàn thành, tôi cho đây là kỳ dự trại sáng tác đầy bổ ích và hiệu quả”, Trưởng đoàn Trần Xuân Toàn nhận định.
SAO LY