Khi con vẫn chỉ là... “con trẻ”
Mới hôm qua (20.5), một người bạn trên facebook của tôi thông báo tin buồn, dù gia đình đã chuyển viện, đưa con vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chữa trị với hy vọng còn nước còn tát, nhưng cuối cùng cháu K. (HS lớp 11 tại một trường THPT ở TP Quy Nhơn) đã không qua khỏi. Nghe bạn bè kể lại, cháu và một bạn học nữa đi chơi xa bằng xe máy và tự té ngã. Bạn đi cùng may mắn chỉ bị chấn thương, còn cháu vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 17.
Một mất mát thật đau xót. Nhưng trên hết, nó làm nhói lòng các bậc phụ huynh- bởi không ít người có con ở tuổi này cũng đã từng giao xe máy cho con đi. Người thì chủ động giao xe cho con đi vì thương con đi học đường xa, bản thân bận rộn không thể lúc nào cũng đưa đón; song cũng có người bị con cho vào thế “sự đã rồi”, “tiền trảm hậu tấu”.
Ở cái tuổi vị thành niên, ăn chưa no lo chưa tới, đã biết “sợ” là gì, các con lên xe phóng ào, không quan tâm đến mũ bảo hiểm (MBH), cũng quên lời dặn “đi đứng cẩn thận, đừng phóng nhanh, vượt ẩu” của mẹ cha, và chưa hề có đủ kinh nghiệm để xử lý mọi tình huống xảy ra. Bởi tai nạn đâu có “mắt” nên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu.
Một người quen của tôi là CSGT cho biết hơn 70% các vụ TNGT xảy ra liên quan đến mô tô, xe gắn máy. Trong đó, số vụ TNGT do lứa tuổi thanh thiếu niên gây ra chiếm số lượng không nhỏ, với các nguyên nhân: phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, không làm chủ tốc độ, không đội MBH, chở ba chở bốn... Thậm chí, có phụ huynh chủ động giao xe máy phân khối lớn cho con khi con mới học lớp 9, lớp 10. Mới hôm rồi, chị bạn tôi trong đêm phải chạy vào Phú Yên ngay sau khi con gọi điện về thông báo muốn trải nghiệm “phượt” ngoại tỉnh bằng xe máy. Sáng ra, mẹ đi ô tô đi sau “áp giải” con và bạn đi xe máy về đến nhà an toàn. Một bài học nhớ đời cho cả hai.
Dĩ nhiên, cũng sẽ có phụ huynh cho rằng cũng không thể “ôm” con suốt cả đời, không muốn con nay mai ra đường sẽ “lớ ngớ” như gà công nghiệp thì phải tập cho con làm quen với xe máy khi con học lớp 10, lớp 11. Ðiều này cũng có lý. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ phụ huynh đã dạy con biết tham gia giao thông đúng cách hay chưa, có tuân thủ mọi quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng như cách xử lý tình huống trên đường. Và quan trọng nhất là con đã đủ tuổi để điều khiển những loại xe ấy hay chưa?
Những điều này ai cũng biết, song thực hiện được hay không và có muốn làm theo hay không lại là chuyện khác. Nhưng, làm thế nào để hạn chế được những mất mát đáng tiếc cho con trẻ và cho chính gia đình mình cũng như xã hội là điều đáng để mọi người phải quan tâm, suy nghĩ đến.
NGUYỄN NAM