Dốc Trắng
* Truyện ngắn của ĐẶNG THIÊN SƠN
Chúng tôi tạm dừng cuộc hành trình ngay chân dốc Trắng để nghỉ ngơi, tiếp thêm cho cơ thể ít nước trước khi vượt dốc. Ngồi từ chân dốc nhìn lên, đường ngoằn ngoèo trườn qua dốc Trắng vẫn còn hoang sơ. Anh cán bộ huyện đoàn giới thiệu với chúng tôi, phía sườn bên kia dốc Trắng là một xóm nhỏ biệt lập. Người dân trong xóm ít đi qua đây, chỉ khi nào cần làm giấy tờ thủ tục hành chính họ mới băng qua dốc. Dốc Trắng còn là địa danh có nhiều câu chuyện huyền bí mà chính người dân quanh vùng cũng chưa giải thích được. Như chuyện ngọn núi phát sáng vào một đêm mùa hè cách đây gần hai mươi năm. Hay chuyện một người dân đào được hòm vàng dưới gốc lim cổ thụ, rồi phát điên… Duy chỉ có bà cụ Lẻ là bình thản sống chung với dốc Trắng suốt gần sáu mươi năm nay.
Tôi tách ra khỏi đoàn, men theo lối nhỏ dẫn lên một khoảng đất bằng, nằm cách đường dốc chính khoảng một trăm mét. Trên khoảng đất ấy có một căn nhà nhỏ, bằng gỗ, lợp tranh. Một cụ già bước ra, ngước mắt nhìn tôi rồi hỏi một câu cụt lủn:
- Ai đó?
Câu hỏi của bà cụ đã khiến tôi chùng bước, đáp nhẹ:
- Dạ! Cháu là khách qua đường, thấy lối nhỏ lên đây đẹp quá nên tò mò đi lên, không ngờ gặp nhà cụ ở đây.
Bà cụ thả dây cho con chó vàng mà bà đang dắt trên tay để nó chạy đến gần tôi. Sau một lúc dò xét, con chó quay lại níu ống quần bà sủa một tiếng. Lúc ấy, bà cụ mới cất lời nói câu tiếp theo với tôi:
- Mời cậu vào nhà.
Tôi lặng lẽ bước theo bà vào bên trong nhà. Trên bộ bàn ghế được kê bằng thân gỗ đen sẫm, bóng nhoáng, có một tích nước đã được ủ sẵn, bà cụ rót cho tôi một cốc nước và mời tôi uống. Con chó nằm ngoan dưới chân bà, phe phẩy chiếc đuôi. Rồi bà phóng mắt ra khoảng không trước nhà buông một hơi thở dài và nói:
- Nắng đầu mùa chưa gay gắt nhưng độc. Cậu ngồi cho ráo mồ hôi hẵng đi rửa mặt, kẻo xuống dốc lại lăn ra ốm.
- Dạ!
- Cậu đi đâu mà một mình qua đây thế này? - Bà hỏi.
- Dạ! Ðoàn cháu đến xóm Lồi tặng vở cho các em học sinh.
- Thế sao cậu không đi đi, lên đây làm gì?
- Dạ…
Tôi không biết phải giải thích thế nào. Vì chính tôi cũng không biết được lí do tại sao tôi lại bỏ đoàn để nán lại đây. Có lẽ là do tính tò mò, ưa khám phá. Nghĩ mãi tôi đành nói:
- Cháu đi tìm nhà cụ Lẻ.
Không ngờ câu trả lời ẩu ấy của tôi đã khiến bà cụ lặng thinh mấy phút.
- Cậu tìm tôi làm gì? - Bà cụ lại trở lại âm điệu tẻ nhạt như lúc mới gặp tôi.
Biết trước mắt mình là cụ Lẻ mà anh cán bộ đoàn huyện đã kể, tôi tiếp lời:
- Dạ, cháu nghe nói cụ đã sống ở đây gần sáu mươi năm nên cháu tìm để hỏi chuyện thôi ạ.
- Có chuyện gì nơi cái thân già này mà hỏi? - Bà vẫn tiếp tục cái giọng nhát gừng. Rồi đột ngột, bà bảo:
- Thôi cậu đi rửa mặt đi. Nếu nán lại đến chiều thì đi theo già vào thung hái rau về luộc ăn trưa. Nếu không thì cậu đi cho sớm kẻo càng về chiều nắng càng gay gắt.
Tôi nửa muốn ở lại để tìm hiểu về con người bí ẩn ấy, nửa muốn đi cho kịp để chiều tối còn cùng đoàn đi giao lưu với thanh niên dưới xóm. Lấy máy điện thoại ra để gọi cho trưởng đoàn xin ở lại thì máy báo khu vực tôi đang đứng không có sóng. Chần chừ một lát, tôi cũng đáp lời cụ:
- Cho cháu ở lại dùng cơm trưa với cụ được không ạ!
Bà không nói gì, đứng lên dắt con chó đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Vào gần đến thung thì tôi thấy một ngôi mộ lớn phía trên có chín nấm đất, chu hương vẫn còn mới. Có điều trên tấm bia đá không đề tên ai. Tôi định hỏi bà cụ Lẻ về những ngôi mộ nhưng thấy bà vẫn miệt mài leo dốc nên không dám cất lời. Tôi hình dung ra đủ thứ trong đầu, rồi tự vấn: Hay là bà ở lại con dốc này sáu mươi năm để trông coi những ngôi mộ? Có lẽ nào trong số chín nấm đất ấy có một người thân của bà. Hay là chồng bà đã mãi mãi ở lại nơi đây?... Thấy tôi tần ngần trước ngôi mộ, bà Lẻ ngoái lại nói:
- Ði kẻo nắng!
Tôi lại bấm móng chân để dép bám xuống sỏi cho đỡ trượt, theo bà vào thung tìm rau.
Phải đến khi ăn trưa xong tôi mới đem chuyện chín ngôi mộ trong thung ra để hỏi bà cụ. Với tay tắt chiếc đài ra đi ô vừa phát xong thời sự trưa trên đầu giường, bà quay qua trò chuyện với tôi:
Chín nấm đất ấy là chín ngôi mộ lính cụ Hồ đã ngã xuống khi đánh nhau với giặc ở đất này. Ngày tôi còn trẻ đã thấy nó có mặt ở đó. Cách đây vài chục năm thì người ta về xác minh và di dời hài cốt đi rồi. Có điều, vì là mộ chung, nóc mộ chỉ đắp tượng trưng nên sau khi họ di dời hài cốt đi, già vẫn vun lên trồng hoa và đốt hương mỗi dịp lễ tết để tưởng nhớ. Họ là những người láng giềng duy nhất của tôi.
Như vậy là những thắc mắc của tôi lúc bắt gặp ngôi mộ vẫn chưa có đáp án. Bà Lẻ ở lại dốc này không phải vì chín ngôi mộ kia. Vậy bà ở lại nơi thâm sơn cùng cốc này một mình suốt sáu mươi năm qua là vì lẽ gì?
Thấy tôi yên lặng nghĩ ngợi, bà Lẻ nhấn tiếng:
- Cậu đừng có mà lại đặt điều như những người trước đây đấy nhé. Họ có gặp tôi đâu. Chưa nhìn thấy họ, con chó nhà tôi đã nhảy dựng lên, họ ba hồn bốn vía tháo thẳng. Vậy mà mấy hôm sau tôi xuống núi nghe người qua đường kháo nhau, họ đọc báo thấy bảo tôi phải lòng một anh bộ đội trong chín ngôi mộ rồi bám con dốc đến giờ.
Lúc bà Lẻ nhấc cánh tay phải lên vuốt ve con chó tôi mới nhìn thấy bàn tay của bà bị cụt mất hai ngón. Tôi định hỏi bà về bàn tay ấy nhưng e không tiện nên đành lảng sang chuyện khác.
- Bà ở đây một mình có buồn không?
Bà Lẻ trả lời:
- Tôi đã ở đây hơn sáu mươi năm, một mình mãi cũng quen rồi. Có người lại đâm ra lo lắng, bất an cậu ạ.
Tôi lại gợi chuyện:
- Cháu nghe dân tình đồn, dốc này có ma!
Bà lặng im một chút rồi nói:
- Mà có khi có ma thật ấy chứ! Ðêm nào tôi cũng nghe tiếng bước chân hành quân qua dốc. Có cả tiếng nói cười, hát hò của các cô chú bộ đội. Trông họ vui lắm, khí thế lắm. Những đêm trăng sáng tôi còn nhìn thấy cả một đội lính hành quân dài dằng dặc thẳng tiến về phía Nam.
Nói xong, bà lại phủ nhận:
- Mà làm gì có ma! Từ ngày giải phóng, con dốc này mới hoang vu thế. Chứ năm xưa, đêm nào cũng có bộ đội hành quân qua đây cậu ạ! Có lẽ tôi bị những hình ảnh ấy bám sâu vào trí nhớ mất rồi.
Tôi cắt ngang:
- Sao cụ lại phải ở một mình nơi heo hút thế này?
Tôi bị bệnh hủi cậu ạ! Cụt mất hai ngón tay đây này. Cũng may, ngày ấy tôi trốn được lên đây. Rồi may sao, vết thương tự nó lành lại đến giờ. Tôi sợ về làng cũ, người ta lại hắt hủi. Bố mẹ tôi cũng đành phải cắt đứt liên lạc với tôi vì sự ghẻ lánh của xóm làng. Bố mẹ tôi chắc đã ra thiên cổ cả rồi. Nhiều lần chính quyền địa phương có cho người lên mời tôi xuống dưới đó ở, nhưng tôi quen với cuộc sống chim muông, cây cỏ nên ở lại đây. Cái đài kia là của họ tặng đấy. Con vàng nó tinh lắm, nó biết cậu là người tốt, nên không sủa đuổi. Xin cậu đừng thêu dệt chuyện của tôi trên báo cậu nhé!
Tôi lặng nhìn cụ Lẻ luồn những ngón tay còn lại qua mái tóc trắng phau mà lòng đau nhức. Cụ đã đi qua cuộc đời lẻ loi giữa thâm sơn cùng cốc. Tự gieo trồng, gặt hái, ăn cá suối, lá cây và những thứ củ rừng để tồn tại. Cụ đến trong cuộc đời và đi hết cuộc đời như một tia sáng mảnh mai, thuần khiết.
Tôi rời khỏi dốc Trắng mang theo những thứ lá thuốc quý mà cụ Lẻ tặng cho để phòng sau này chữa đau bụng, lá cho đám trẻ con tắm khi bị ngứa. Và điều tôi may mắn hơn những người gặp cụ trước đây, đó là được mang theo một câu chuyện thần tiên của một con người sống như thần tiên trên dốc Trắng.
Ð.T.S