Cấm vận du lịch: Vũ khí kinh tế mới của Trung Quốc
Cấm nhập khẩu các sản phẩm như xoài, than hay cá hồi từ lâu được xem như là biện pháp để Trung Quốc trừng phạt những quốc gia có căng thẳng với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc có thêm đòn trừng phạt mới, đó là đánh vào nguồn thu của các nước có được từ số lượng du khách Trung Quốc đông đảo.
Bắc Kinh cấm tổ chức tour du lịch sang Hàn Quốc để trả đũa việc Seoul cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)
Chẳng hạn như mới đây, để phản đối việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Bắc kinh cấm tổ chức một số tour du lịch Hàn Quốc.
Ngoài ra, hàng chục cửa hàng của tập đoàn bán lẻ Lotte (Hàn Quốc) tại Trung Quốc cũng bị đóng cửa, nhằm gây sức ép với Seoul về vấn đề này.
Tập đoàn này cũng chịu một số thiệt hại khác như, dự án công viên trị giá 2,6 tỉ đô la Mỹ tại Trung Quốc phải tạm ngừng hay website của công ty được cho là bị tin tặc tấn công.
Công ty cung cấp tour du lịch Trung – Hàn có trụ sở tại Seoul cho biết, số lượng du khách giảm 85% trong thời gian gần đây.
Trước đó, công ty này trung bình tiếp nhận khoảng 4.000 du khách mỗi tháng.
“Cây gậy và củ cà rốt”
Năm 2010, khi Ủy ban Nobel có trụ sở tại Oslo (Na Uy) trao giải Nobel Hòa bình cho một nhân vật bất đồng chính kiến người Trung Quốc, Bắc kinh ngừng nhập khẩu cá hồi từ Na Uy.
Quan hệ hai nước chỉ trở lại bình thường, sau khi Oslo cam kết tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” và toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Kinh.
Đối với Philippines, lệnh cấm 27 công ty xuất khẩu chuối của nước này được Trung Quốc dỡ bỏ, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte có những tuyên bố mềm mỏng trước Trung Quốc.
Trước đó, lệnh cấm này được ban hành nhằm trừng phạt Manila về lập trường đối với Biển Đông.
Hàn Quốc cũng có thể đạt được kết quả tương tự, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cử đặc phái viên đến Trung Quốc vào tuần trước, trong một động thái nhằm hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh.
Lấp chỗ trống
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn do nước này đang tìm cách lấp chỗ trống mà Mỹ để lại, sau khi Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách ưu tiên nước Mỹ.
“Các quốc gia nhỏ (ở châu Á) cảm thấy rằng không được Mỹ hỗ trợ nữa,” Shaun Rein, người sáng lập Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, nói.
Tuy nhiên, với trường hợp của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, Bắc Kinh nên cẩn trọng khi nhằm vào một số lĩnh vực, vì điều đó có thể khiến các công ty Trung Quốc chịu thiệt hại theo.
Lê Quảng (theo AFP)