Công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp năm 2017:
Thực hiện 24 chương trình, đề án khuyến công
Thời gian qua, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC-TVPTCN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Các chương trình, đề án KC đã hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn. Theo Trung tâm KC-TVPTCN, năm 2017, sẽ có 24 chương trình, đề án KC tiếp tục hỗ trợ các DN vừa và nhỏ.
Ngành chức năng khảo sát cơ sở chế biến hạt điều của Công ty Việt Hưng.
Hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhờ sự quan tâm của Trung tâm KC-TVPTCN và Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tháng 7.2016, Công ty Việt Hưng (ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) được chọn tham gia Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều”. Đề án được thực hiện từ tháng 3.2017, với tổng kinh phí đầu tư 1,48 tỉ đồng; trong đó kinh phí mua máy phân loại màu hạt điều gần 907 triệu đồng; vốn KC Quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng (bằng 22% vốn đầu tư máy móc thiết bị)... Máy có công suất 500 kg/giờ và có khả năng phân loại màu 26 loại hạt điều khác nhau, vừa góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời đảm bảo về vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Diễn, Giám đốc Công ty Việt Hưng, cho biết: Trước đây, do chưa có máy phân loại hạt điều, công ty phải sử dụng thường xuyên trên 20 lao động để phân loại hạt với công suất 1.000 kg/ngày. Những khi hàng nhiều phải huy động gấp đôi số lao động mới có thể hoàn thành công việc; trong khi chất lượng sản phẩm không đều. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều” đã giúp DN tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện về doanh thu (khoảng 660 triệu đồng/năm), tăng thu nhập cho người lao động (từ 3 đến 5 triệu đồng/người/ tháng)… Ngày 10.5 vừa qua, đề án của công ty đã được Hội đồng khoa học Sở Công Thương và Trung tâm KC-TVPTCN nhất trí nghiệm thu.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, năm 2016, có 23 chương trình, đề án KC được thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 2,9 tỉ đồng (tăng 26,1% kinh phí và 7 chương trình, đề án KC so với năm 2015). Năm 2017, ngoài đề án của Công ty Việt Hưng, còn có nhiều đề án KC được chọn triển khai. Tiêu biểu trong số này là một số đề án thuộc chương trình KC Quốc gia, như: Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ nội thất tại hộ kinh doanh Trí Lực (huyện Tuy Phước); Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ vào sản xuất nước mắm tại Công ty TNHH Nông lâm sản Minh Tuấn” (huyện Phù Mỹ); Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất đúc kim loại bằng điện tự động tại Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đường Minh” (TX An Nhơn)…
Tiếp tục hỗ trợ các DN vừa và nhỏ
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay từ cuối năm 2016, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm KC-TVPTCN phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm xây dựng các chương trình, đề án KC Quốc gia, KC địa phương. Kết quả, năm 2017, Bình Định có 4 chương trình, đề án KC Quốc gia được phê duyệt, với kinh phí 1,1 tỉ đồng (tăng 22,2% so với năm 2016). Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng vừa chính thức phê duyệt “Đề án KC địa phương năm 2017”, có 20 chương trình, đề án KC thuộc 4 nhóm đề án KC địa phương được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 2,52 tỉ đồng (tăng khoảng 500 triệu đồng so với năm 2016).
Cụ thể, đó là 4 nhóm đề án KC địa phương “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật”, “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp” (gồm 13 chương trình, đề án với kinh phí hỗ trợ 2,035 tỉ đồng); “Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm và tổ chức cuộc thi thiết kế, chế tác sản phẩm phục vụ du lịch” (3 chương trình, đề án với kinh phí hỗ trợ 262,5 triệu đồng); “Xây dựng các chương trình truyền hình, các hình thức thông tin đại chúng khác về phát triển ngành Công Thương” (2 chương trình tuyên truyền về hoạt động KC, với kinh phí 60 triệu đồng); “Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động KC” (2 chương trình với kinh phí gần 162,5 triệu đồng).
Trong số 20 chương trình, đề án KC địa phương năm 2017 được UBND tỉnh phê duyệt có khá nhiều đề án được hỗ trợ kinh phí khá lớn, như Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gạo chất lượng cao, công suất 6.000 tấn lúa/năm tại cơ sở kinh doanh nông sản Quang Vũ - xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (kinh phí hỗ trợ 430 triệu đồng); Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gỗ nội thất, công suất 2.100 m/giờ tại DNTN An Đức - thị trấn An Lão, huyện An Lão (kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng).
VIẾT HIỀN