Chương trình Bệnh viện Bay tại Bình Ðịnh năm 2017: Chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến về nhãn khoa
Từ ngày 30.5 đến 13.6, Chương trình Bệnh viện Bay do tổ chức phi chính phủ nước ngoài Orbis Quốc tế (Hoa Kỳ) viện trợ sẽ triển khai các hoạt động chính tại Bình Ðịnh. Ðây là lần đầu tiên Orbis đến Bình Ðịnh, mở ra cơ hội lớn cho việc cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh về mắt.
Phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: N.V.T
Cơ hội nâng cao kỹ thuật khám, điều trị nhãn khoa
Mục tiêu của Dự án Bệnh viện Bay tại Bình Định năm 2017 là đào tạo thực hành các kỹ năng lâm sàng liên quan tới khám và điều trị các bệnh mắt trẻ em cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nhằm giúp xây dựng dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em toàn diện và có chất lượng tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Orbis là tổ chức phi chính phủ quốc tế của Mỹ có uy tín trong việc hỗ trợ các nước phát triển công tác phòng chống mù lòa và bảo vệ thị lực cho người dân.
Orbis là tổ chức duy nhất hỗ trợ Việt Nam phát triển dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện tại nhiều địa phương thông qua việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, cung cấp trang thiết bị hiện đại và hỗ trợ xây dựng mạng lưới dịch vụ chăm sóc mắt giúp người dân.
Orbis đã giúp Việt Nam thành lập 5 Trung tâm Nhãn nhi thân thiện với trẻ em ở Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bình Ðịnh.
Đồng thời, xây dựng năng lực tầm soát và điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non tại BVĐK tỉnh. Bên cạnh đó, Dự án cũng cập nhật các kiến thức, kỹ thuật tiên tiến, giới thiệu các quy trình theo chuẩn mực quốc tế về khám và điều trị các bệnh chuyên khoa sâu về mắt người lớn như: đục thủy tinh thể, các bệnh đáy mắt, bệnh Glôcôm (còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống)... nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng khám chữa bệnh của các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nhãn khoa tại Bình Định và trong khu vực. Phẫu thuật phục hồi thị giác cho các bệnh nhân địa phương trong khuôn khổ chương trình đào tạo nâng cao năng lực của chương trình Bệnh viện Bay.
Trong đó, các hoạt động chính của Dự án gồm: đào tạo định hướng các bệnh về mắt trẻ em; thực hành phẫu thuật đục thủy tinh thể trẻ em (cơ bản), phẫu thuật đục thủy tinh thể người lớn (trung cấp), lác trẻ em (cơ bản và trung cấp), điều trị nội khoa bệnh lý võng mạc (trẻ em và người lớn), điều trị bệnh glôcôm (người lớn), phẫu thuật tạo hình (đơn giản); đào tạo điều dưỡng; đào tạo nâng cao năng lực thực hành gây mê an toàn trong phẫu thuật nhãn khoa; thực hiện các hoạt động truyền thông về chương trình Bệnh viện Bay, hội thảo chuyên đề về chăm sóc mắt.
Tổng chi phí viện trợ không hoàn lại của Dự án do tổ chức Orbis Quốc tế tài trợ là hơn 208 ngàn USD; vốn đối ứng của UBND tỉnh là hơn 30.000 USD.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh, cho biết: “Chương trình Bệnh viện Bay tại Bình Định năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Mắt tỉnh. Bởi nhờ đó, nhiều người sẽ được hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến, do các chuyên gia hàng đầu thế giới về nhãn khoa thực hiện. Do vậy, thời gian qua Bệnh viện Mắt tỉnh thường xuyên trao đổi với những người thực hiện chương trình để có sự phối hợp tốt nhất, cả trong việc tiếp nhận kỹ thuật lẫn lựa chọn, giới thiệu bệnh nhân cũng như chuẩn bị phòng ốc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu của chương trình”.
Tạo điều kiện tốt nhất cho Chương trình
Với phần lớn chương trình thuộc Dự án diễn ra trên máy bay của Orbis, nên công tác đảm bảo an toàn hàng không và an ninh trong sân bay được nhiều đơn vị quan tâm. Bệnh viện Bay có “thân hình” vượt trội so với những máy bay chở khách thường đáp xuống sân bay Phù Cát, nên sẽ gặp không ít khó khăn trong việc di chuyển trên đường băng.
Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng Hàng không Phù Cát, cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu vẽ đường tạm trên đường băng hiện hữu để hướng dẫn máy bay di chuyển phù hợp, không cản trở hoạt động bình thường của sân bay và đảm bảo an toàn cho tất cả con người cũng như thiết bị trong khu vực. Nhưng sân bay Phù Cát không phải là sân bay quốc tế, nên việc Bệnh viện Bay sau khi hoàn thành Dự án cần làm những thủ tục xuất cảnh theo đúng quy định”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ vào nhiệm vụ của mình tổ chức phối hợp chặt chẽ với chương trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyên gia, bác sĩ thuộc Dự án Bệnh viện bay Orbis thực hiện các phần việc trong kế hoạch.
Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng đây là một hoạt động nhân đạo, nên lưu ý các lực lượng thuộc Công an tỉnh và an ninh hàng không đảm bảo việc kiểm soát con người và hàng hóa theo quy định, nhưng cố gắng tạo sự thông thoáng về thủ tục ra vào sân bay cho các thành viên Orbis. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn cho các chuyên gia, bác sĩ, học viên, bệnh nhân và người nhà tại khách sạn, sân bay cũng cần có phương án cụ thể; chú ý đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh xảy ra các sự cố ngoài ý muốn.
Bệnh viện bay Orbis là bệnh viện bay duy nhất trên thế giới, được đặt trên một chiếc DC10 (trước đây là DC8). Ý tưởng về bệnh viện bay được bác sĩ David Paton, Trưởng khoa Mắt - Ðại học Y khoa Balor, bang Texas (Mỹ) nghĩ tới từ đầu những năm 70 của thế kỷ 20. Ý tưởng ấy đã thành hiện thực vào năm 1973, khi Paton và một số đồng nghiệp thuyết phục được ông chủ Hãng Hàng không United Airlines là Eddie Carlson tặng lại một chiếc DC8 và quyên góp đủ tiền để cải tạo thành một bệnh viện.
Năm 1982, lần đầu tiên, Bệnh viện bay Orbis ra khỏi nước Mỹ, đích đến đầu tiên là Panama. Và đây cũng chính là thời điểm Orbis Quốc tế ra đời.
Năm 1992, được nhiều nhà hảo tâm tài trợ, Orbis nâng cấp bệnh viện từ DC8 lên DC10. Mùa hè năm 1994 Bệnh viện bay Orbis chính thức cất cánh. Chiếc DC10 được dùng làm bệnh viện có 3 động cơ phản lực, sải cánh 47,54m, dài 52,12m, cao 21,94m. Trọng lượng tối đa khi cất cánh là gần 205 tấn và hạ cánh là gần 164 tấn. Vận tốc trung bình của máy bay đạt 878,75 km/giờ với tầm bay liên tục 6 giờ...
Khoang chiếc DC10 rộng 610m2, sau khi hoán cải thành bệnh viện có 8 phòng chức năng. Trong 8 phòng chức năng, chỉ còn duy nhất phòng đào tạo là còn giữ lại gần như nguyên bản của máy bay với 48 ghế ngồi được bố trí ngay sau khoang lái.
LÊ CƯỜNG