Các HTXNN ở Phù Mỹ sau 4 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX: Chuyển biến tích cực
Sau 4 năm thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đến nay hầu hết các HTXNN trên địa bàn huyện Phù Mỹ đều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Tham quan mô hình sản xuất lúa giống của HTXNN 1 Mỹ Hiệp.
Đến nay, toàn huyện Phù Mỹ có 13 HTXNN, trong đó 11 HTXNN có quy mô toàn xã, 2 HTX có quy mô liên thôn, với 22.869 thành viên.
Ông Nguyễn Thành Khâm, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết, từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, bộ máy quản lý HTX được tinh giảm đáng kể, số cán bộ còn lại có trình độ, tâm huyết với HTX, nguồn lực tài chính của HTX mạnh hơn, địa bàn hoạt động rộng hơn, có điều kiện kinh doanh đa lĩnh vực hơn và phần lớn hoạt động có hiệu quả.
Các HTX đã mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, nhu cầu của xã viên và nhân dân tổ chức mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Tổng doanh thu năm 2016 của các HTX đạt 24,8 tỉ đồng, lợi nhuận trên 1,11 tỉ đồng. Một số dịch vụ kinh doanh cho hiệu quả khá như: dịch vụ sản xuất và cung ứng giống lúa, dịch vụ phân bón, dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ thủy lợi thủy nông, dịch vụ trồng rừng.
Trong đó, dịch vụ sản xuất và cung ứng giống lúa được các HTX thực hiện hiệu quả; tiêu biểu như HTXNN 1 Mỹ Hiệp, các HTX Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Tài... Ông Trần Ngọc Sanh, Giám đốc HTXNN 1 Mỹ Hiệp, cho biết: “Sau chuyển đổi, HTX đã chủ động hơn trong thực hiện dịch vụ, mạnh dạn thử nghiệm sản xuất lúa giống theo nhu cầu thị trường, không những đáp ứng nhu cầu của hộ xã viên và nhân dân địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khá”.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được, hoạt động của các HTXNN trên địa bàn huyện Phù Mỹ vẫn còn tồn tại, hạn chế: Chưa cung ứng được nhiều dịch vụ cho thành viên; một số HTX còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không năng động, mạnh dạn mở rộng các hình thức kinh doanh dịch vụ; thậm chí một số khâu thiết yếu phục vụ cho thành viên HTX cũng không thực hiện được (như thủy nông nội đồng) và một số khâu kinh doanh, dịch vụ ngày càng giảm; lợi nhuận trong kinh doanh nhìn chung còn rất thấp.
Ông Nguyễn Thành Khâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Trong thời gian tới, các HTXNN trên địa bàn huyện tiếp tục củng cố, nâng cao hoạt động dịch vụ, nhất là các dịch vụ gắn liền với lợi ích của xã viên như: tín dụng nội bộ, thủy lợi, thủy nông, phân bón, sản xuất cung ứng giống. Có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ các chức danh chủ chốt và cán bộ nguồn của HTX; phấn đấu tăng vốn sản xuất, kinh doanh bình quân từ 3 - 5%/năm; tổng doanh thu bình quân tăng 5 - 7%/năm; lợi nhuận bình quân tăng trên 10%/năm; lương bình quân của cán bộ gián tiếp HTX ít nhất bằng mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định đối với doanh nghiệp; 100% cán bộ HTX tham gia đóng BHXH, BHYT. Phấn đấu đến năm 2020, số HTXNN hoạt động có lãi đạt 100%, trong đó, số HTX đạt loại khá, giỏi đạt 50%, không còn HTX yếu kém, cán bộ quản lý có trình độ trung cấp trở lên đạt 70%.
TRỌN - LỘC