Sản xuất thâm canh giống điều ÐDH 102-293 ở Phù Cát: Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cây điều
Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (NNDHNTB) vừa tổ chức cho nông dân tham quan mô hình sản xuất thâm canh giống điều ÐDH 102-293 tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) nhằm đánh giá, nhân ra diện rộng.
Tham quan mô hình sản xuất thâm canh giống điều ĐDH 102-293 tại xã Cát Hiệp (Phù Cát).
Cây điều phù hợp với nhiều chân đất, có khả năng chịu hạn tốt, đầu ra sản phẩm khá ổn định, nên nông dân tỉnh ta, nhất là ở Phù Cát đã phát triển mạnh loại cây trồng này. Tuy nhiên, cây điều ở Phù Cát vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, bởi phần lớn diện tích được trồng bằng cây con hữu tính (nhân giống bằng hạt) chất lượng cây giống không cao, lại trồng trên đất cát và đồi gò với mật độ quá dày, rất khó đầu tư thâm canh. Đa số nông dân chưa nắm vững được đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây điều cũng như các biện pháp tác động để phát huy hiệu quả loại cây trồng này.
Thời gian gần đây, nông dân đã đưa các giống điều mới như: ĐDH67-15, ĐDH66-14, BO1, PN1… vào trồng, nhưng chưa chú trọng đầu tư thâm canh, nên cây điều chưa phát huy được tiềm năng về năng suất, nhiều nông dân đã phá bỏ, dẫn đến diện tích điều ở Phù Cát giảm mạnh, hiện chỉ còn 2.700 ha.
Năm 2013, Viện KHKT NNDHNTB đã xây dựng mô hình sản xuất thâm canh giống điều ĐDH 102-293, diện tích 6 ha tại xã Cát Hiệp, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT mới vào thực tế sản xuất cho nông dân. Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó viện trưởng Viện KHKT NNDHNTB, giống điều ĐDH 102-293 có ưu điểm là ra hoa tập trung từ đầu vụ, nên tránh được mưa làm hoa rơi rụng; quả điều chín có màu vàng, hạt to màu xám sáng; khi được đầu tư thâm canh cây điều ít bị bệnh thán thư và bọ xít muỗi gây hại, nên giảm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật; năng suất khoảng 650kg/ha, cao hơn nhiều so với đối chứng. Với giá điều hiện tại, từ 35.000- 40.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập khá cao. Việc sử dụng giống điều mới ĐDH 102-293 và đầu tư thâm canh là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị kinh tế của cây điều. Viện KHKT NNDHNTB sẵn sàng hỗ trợ về giống và kỹ thuật, giúp địa phương phát triển loại cây trồng này.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Để duy trì và phát triển diện tích điều theo hướng bền vững, huyện sẽ điều tra, rà soát diện tích điều hiện có, xác định diện tích có thể cải tạo, diện tích phải phá bỏ, trên cơ sở đó chỉ đạo ngành chức năng xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân hoặc nhân rộng mô hình sản xuất thâm canh giống điều ĐDH 102-293 ra diện rộng. Mặt khác, tăng cường công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh, tập huấn hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại điều; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện liên kết chuỗi sản phẩm cây điều.
PHẠM TIẾN SỸ