Sách quý về Hoàng Sa, Trường Sa tại Thư viện tỉnh
Trong quá trình xử lý hồi cố kho sách tiếng Pháp, bộ phận nghiệp vụ Thư viện tỉnh Bình Ðịnh đã phát hiện cuốn sách “Les archipels de Hoàng - Sa et de Trường - Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie” (Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý) của học giả Võ Long Tê, xuất bản tại Sài Gòn năm 1974. Ðây là tài liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Sách “Les archipels de Hoàng - Sa et de Trường - Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie” được xem như một công trình khảo thuyết về Hoàng Sa, Trường Sa. Tác giả Võ Long Tê đã sưu tầm nhiều tư liệu cổ và giới thiệu một cách có hệ thống, khoa học về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Sách dày gần 300 trang, gồm nhiều bản chữ Hán, phiên âm tiếng Việt và được dịch ra tiếng Pháp. Phần phụ lục gồm 40 bản đồ và bản chụp những tư liệu gốc. Trong đó, tư liệu cổ nhất là “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công, có lẽ được soạn từ thời nhà Lê (có tài liệu ghi rằng sách này được soạn vào năm Chính Hòa thứ 7 - 1686); tiếp đó là trích từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, rồi “Lịch triều Hiến Chương Loại chí” của Phan Huy Chú (Dư địa chí, quyển 5), “Hoàng Việt địa dư chí” (bản khắc in lần đầu năm Minh Mạng thứ 14-1833), “Đại Nam thực lục chính biên”, “Khâm định đại nam hội điển sử lệ”, “Đại Nam nhất thống chí” và tư liệu cuối cùng là “Quốc triều sử toát yếu” (được soạn dưới thời vua Thành Thái - 1889 và Duy Tân - 1908).
Xúc động và cảm kích khi đọc cuốn sách này, một người bạn cùng thời với tác giả Võ Long Tê là Nguyễn Thọ Dực đã “họa” chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam bằng những lời thơ rất đanh thép. Đây cũng là những câu chữ tiếng Việt khá hiếm hoi xuất hiện trong cuốn sách này. Xin được trích: “Phong vực thiên nhiên nước Việt ta, đông hoành quần đảo Đại Trường Sa, cát vàng một dải ngời danh tích, sử - địa, đồ - thư nét chửa nhòa/ Hoàng Sa châu vốn thuộc Giao Nam, nghịch lỗ tranh càn giở thói tham, đất tổ bỗng dưng người cướp xén, ai đành thủ khẩu nhịn cho cam/ Hoàng - Trường Sa đảo thuyết duy tinh, viện dẫn tiền biên đủ chứng minh, diệu bút phát dương từng yếu điểm, để cho thế giới thấu chân tình/ Chính danh chính nghĩa chứng viên thâm, nay áng hùng văn chống ngoại xâm, huy bút thế gươm trừ giặc nước, dòng dòng thiết thực tỏ đan tâm”.
Ông Võ Văn Nhiếng, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Hiện nay, trong hệ thống thư viện công cộng nước ta, chỉ một số ít thư viện lưu giữ tài liệu này. Trong đó, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh có 2 bản, Thư viện TP Đà Nẵng có 1 bản. Thư viện tỉnh Bình Định may mắn sở hữu được tài liệu quý này, chúng tôi đang có kế hoạch nhân bản để bổ sung vào tài liệu tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, công trình này chủ yếu được viết bằng tiếng Pháp, là trở ngại lớn cho bạn đọc tiếp cận, cần phải dịch ra tiếng Việt để phổ biến rộng rãi trong nhân dân”.
Hiện nay, các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân đã chủ động sưu tầm tài liệu, xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị, nhằm khẳng định chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, một số cuốn đã được dịch sang tiếng Anh để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi quan điểm của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền quốc gia nói chung và vấn đề chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng. Vì vậy, bên cạnh dịch ra tiếng Việt, có lẽ cuốn sách này cũng cần được dịch ra tiếng Anh - ngôn ngữ quốc tế thông dụng nhất- để có sự phổ biến rộng rãi nhất không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, thêm một “bằng chứng thép” khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với đảo thiêng.
BÍCH DUNG