Ngày hội của nghị lực và tình thương
Từ ngày 9-11.8 tới, tại Hà Nội, 12 trẻ khiếm thính của Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn sẽ cùng những bạn đồng cảnh ngộ trong cả nước tham gia vào một hoạt động hết sức ý nghĩa. Ðó là Hội diễn văn hóa văn nghệ trẻ khuyết tật toàn quốc với chủ đề “Nghị lực và tình thương” lần đầu tiên được tổ chức.
Chiều ngày 5.8, sau hơn 1 tháng tập luyện các tiết mục, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn đã tổ chức buổi tổng duyệt báo cáo kết quả tập luyện trước khi ra Hà Nội tham gia Hội diễn. Đã từng không biết bao lần làm khán giả tại nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn, nhỏ trong tỉnh, nhưng có lẽ đây là buổi biểu diễn văn nghệ để lại trong tôi nhiều xúc động hơn cả. Xem các em biểu diễn 3 tiết mục múa “Quang Trung thần tốc”, “Huyền thoại tháp Đôi” và “Bà Rằng bà Rí”, bao trùm là sự cảm phục và nỗi thương đến thắt lòng bởi hình ảnh đẹp diễn ra trước mắt mình: “tai không nghe, tay vẫn tròn điệu múa”.
Chị Trần Thị Thu Quý, phụ trách dàn dựng, tập luyện chương trình của trường, cho biết: “Điều này có vẻ khó tin nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi cảm thấy tập văn nghệ cho trẻ khuyết tật khiếm thính… dễ và nhanh hơn người bình thường. Bởi ở các em có sự tập trung, chăm chỉ, nỗ lực và tinh thần mê say văn nghệ rất cao. Đặc biệt, như một sự bù trừ kỳ lạ, các em có sự cảm nhận về nhịp độ, tốc độ rất tài tình nên vào nhạc, thực hiện động tác… hầu như chuẩn xác”.
Thật vậy, có mặt xem buổi tổng duyệt hôm ấy, không chỉ người ngoài mà chính các giáo viên ở trường, phụ huynh của các em cũng cảm thấy bất ngờ. Cứ tưởng các em sẽ không giấu được sự căng thẳng trên nét mặt hay mắt chăm chắm dán vào người hướng dẫn động tác bên dưới sân khấu, nhưng không, hết thảy đều rất tươi tắn, nhịp nhàng. Ngay cả với bài múa Chăm “Huyền thoại tháp Đôi”, vốn đòi hỏi cao về tính đồng đều, nhịp nhàng trong di chuyển, động tác kỹ thuật khó, các em vẫn đáp ứng tốt yêu cầu.
Điểm nhấn của tiết mục múa “Quang Trung thần tốc”, ngoài phần múa võ tập thể, là hình ảnh Đào Thị Thanh Thy đi võ thoăn thoắt và toát lên đầy thần thái bài “Tứ trụ quyền”. Nhà Thy ở Phú Tài, được gia đình gởi xuống Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn để học, cùng ăn cùng ở với những bạn đồng cảnh ngộ. Em học võ từ nhỏ, hiện đang sinh hoạt tại Võ đường Hồng Kha ở Phú Tài. Bằng ngôn ngữ cử chỉ, Thy hào hứng bảo rằng em và các bạn đều biết 2 tiết mục múa võ và múa Chăm là “đặc sản” văn hóa của Bình Định, nên động viên nhau cố gắng tập thật tốt để ra Hà Nội biểu diễn thật đẹp trước bạn bè.
Hơn 1 tháng qua, 12 em này được gia đình tin tưởng mang con đến ở hẳn trong trường để tập văn nghệ, đồng nghĩa với việc một số thầy cô ở trường không nghỉ hè mà ở lại trường sát cánh cùng các em. Chị Lê Thị Thanh Kiều (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), phụ huynh em Hồ Lê Mỹ Hân, xúc động chia sẻ: “Suốt hơn 1 tháng qua, tôi đã thấy con gái vui và háo hức như thế nào về chuyến đi xa này. Cháu khoe, ngoài tham gia Hội diễn, cháu và các bạn sẽ được các thầy cô cho đi thăm lăng Bác, thăm những di tích, thắng cảnh của Hà Nội. Gia đình tôi cũng vui lây và ấm lòng khi thấy trẻ khuyết tật được sự thương yêu, quan tâm của cộng đồng”.
Theo Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn Trần Gia Tín, Hội diễn văn hóa văn nghệ trẻ khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào đúng thời gian nghỉ hè. Khi nhận thông báo mời, nhà trường đã tham khảo ý kiến phụ huynh và được ủng hộ để trẻ khuyết tật có cơ hội tham gia vào sân chơi dành cho các em. “Điều kiện tài chính có hạn, lại đi xa, để đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho các em, chúng tôi chỉ chọn 12 em khiếm thính có năng khiếu trong 101 học sinh của trường tham gia Hội diễn. “Đem chuông đi đánh xứ người” với lực lượng khá mỏng, chỉ có thể loại múa, chỉ mong sao các em được trải nghiệm về một cuộc hội ngộ, giao lưu cùng các bạn đồng cảnh ngộ thật nhiều ý nghĩa, để thấy rằng cộng đồng luôn chăm lo cho các em”, thầy Tín cho biết.
SAO LY