Chặn mối nguy phơi nhiễm HIV
Từ năm 2002 đến nay, đã có 22 người bị phơi nhiễm HIV đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để được hướng dẫn điều trị dự phòng. Nhân viên y tế, công an, người thường tiếp xúc với đối tượng mại dâm, nghiện ma túy… có nguy cơ phơi nhiễm HIV rất cao.
Nỗi lo phơi nhiễm
Đến bây giờ, sự cố xảy ra ở phòng y tế chiều 1.6.2012 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của các nhân viên y tế và quản giáo ở Trung tâm Giáo dục - Lao động- Xã hội tỉnh. Theo lời kể của Trưởng ban quản giáo Huỳnh Tấn Dũng, khoảng 15 giờ hôm đó, học viên Đ.T.T (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, đang điều trị cắt cơn cai nghiện, phục hồi sức khỏe tại phòng y tế) được cho ra ngoài vệ sinh, ăn uống. 2 tiếng sau, cán bộ y tế Thái Văn Trực bảo T. vào phòng cắt cơn thì T. nhất quyết không chịu vào, đòi gặp lãnh đạo Trung tâm. Trong lúc anh Trực và anh Dũng đang giải thích thì bất ngờ T. lấy ghế đập mạnh làm vỡ cửa phòng y tế, chộp lấy một mảnh kính vỡ, rượt đuổi quản giáo và nhân viên y tế.
“Khi mọi người dạt ra, T. lại lấy mảnh kính cắt vào 2 cẳng tay và tự đâm vào cổ để tự sát. Trong tích tắc, anh Trực phải lao vào ôm T., quên mất mình chỉ đứng tới cổ học viên. Dù vậy, anh vẫn khóa được tay T. để các quản giáo xông vào bắt giữ. Lúc này, T. dùng mảnh kính chống trả quyết liệt, gây thương tích cho anh Trực, anh Phạm Hoài Phương và tôi”, anh Dũng nhớ lại.
Cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV qua tổn thương da chảy máu: xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch; qua niêm mạc mắt: rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút; qua miệng, mũi: rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9%; súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.
Sau khi vụ việc xảy ra, cả 3 anh đều được rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 700 và được dùng thuốc ARV (thuốc điều trị kháng vi rút HIV) ngay hôm sau. Nhưng phải đến 6 tháng sau, các anh mới thở phào nhẹ nhõm khi nhận được thông báo kết quả xét nghiệm HIV âm tính. “Có người bảo nếu kết quả xét nghiệm nguồn lây nhiễm là âm tính thì không cần điều trị dự phòng. Nhưng lại lo đối tượng có HIV đang ở giai đoạn “cửa sổ” (các xét nghiệm chưa tìm thấy kháng thể kháng vi rút HIV trong nguồn lây nhiễm), nên chúng tôi phải uống thuốc để đảm bảo an toàn. Cả 6 tháng trời tôi sống trong lo lắng, “nhất cử nhất động” trong sinh hoạt đều cẩn trọng hết sức. Lỡ mình mắc HIV thật, lại bất cẩn mà lây cho người thân thì ân hận lắm!”, anh Dũng tâm sự.
Với anh Trực, nỗi sợ phơi nhiễm HIV còn ám ảnh hơn nhiều. Bởi trước đó gần nửa năm, trong một lần truyền dịch cho học viên P.T.L (có HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và qua đời vào cuối tháng 3.2012), anh Trực bị kim truyền dịch đâm vào tay gây chảy máu. Lúc đó là cuối tháng Chạp, cả nhà anh ủ rủ chẳng sửa sang gì để đón Tết. Anh Trực chia sẻ: “Đó là cái Tết “nhớ đời”, bởi đang uống thuốc ARV, chẳng dám đi thăm nhà bà con, sợ phải “uống vài ly”. Mà, cứ nơm nớp lo bị nhiễm HIV, tâm trạng đâu tết nhất nữa”.
“Cứu tinh” ARV
Trong các trường hợp bị phơi nhiễm HIV có nhận thuốc ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, có 2 học sinh ở Quy Nhơn và Tuy Hòa (Phú Yên), đều bị phơi nhiễm khi đùa nghịch với kim tiêm rơi vãi. “Các trường học phải tuyên truyền cho học sinh không được đùa nghịch quá mức, gây vết thương hở, đặc biệt không được dùng kim tiêm”, bác sĩ Hưng lưu ý.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phạm Văn Hưng, người bị phơi nhiễm HIV phải được dùng thuốc ARV kịp thời. Nếu được dùng trước 6 tiếng, tỉ lệ thành công là 92-98%, sau 6 tiếng còn 50-85%, nhưng quá 72 tiếng chỉ đạt dưới 50%. Thời gian điều trị dự phòng HIV bằng ARV kéo dài trong 4 tuần, người được điều trị phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi dùng thuốc. Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng phải mua thuốc.
Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV, chủ yếu là nôn mửa, tăng men gan, khó ăn khó ngủ... Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV định kỳ sau 1, 3 và 6 tháng. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV cho người khác vì vẫn có khả năng lây truyền HIV nếu điều trị phơi nhiễm thất bại.
“Tất cả những trường hợp điều trị dự phòng có đến Trung tâm để xét nghiệm định kỳ đều có kết quả âm tính. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp chỉ nhận thuốc ARV chứ không quay trở lại kiểm tra, nên chúng tôi không nắm được họ có bị nhiễm hay không”, bác sĩ Hưng cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG