Hàng hóa tiêu dùng: Sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại nhập
Tới thời điểm này, sự thâm nhập của hàng ngoại nhập tại thị trường đang diễn ra với tốc độ nhanh. Áp lực cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm, từ chất lượng đến quảng bá, tiếp thị.
Nhiều sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm là hàng ngoại nhập chiếm thế đứng khá vững tại các quầy kệ của siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh.
Dù đại diện các siêu thị, trung tâm mua sắm tại Bình Định đều khẳng định hàng Việt vẫn chiếm thị phần áp đảo trong hàng hóa trưng bày, nhưng thực tế, hàng ngoại đã xuất hiện nhiều trên kệ tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ… Với lợi thế mẫu mã đa dạng, giá cả chỉ cao hơn các sản phẩm Việt cùng loại từ 10-20%, các mặt hàng ngoại đang ngày càng “được lòng” người tiêu dùng (NTD).
Không chỉ dừng ở mức “trình làng”
Rất dễ nhận thấy, trong khi hàng ngoại tràn vào thị trường đến từ các quốc gia như: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… hầu hết là những mặt hàng Việt Nam ít có, mẫu mã chưa đa dạng, phân khúc khách hàng thu nhập cao thì nhiều sản phẩm đến từ các nước trong khối ASEAN lại phần lớn rơi vào sản phẩm trong nước sản xuất nhiều. Cùng mặt hàng, giá lại cạnh tranh nên một số mặt hàng ngoại đã lấn sân hàng Việt.
Một số chủ trung tâm, cơ sở kinh doanh hàng điện máy, điện lạnh tại Bình Định nhận xét, mặt hàng nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN chiếm 60-70% tổng lượng hàng hóa đang bán, như: tủ lạnh, máy lạnh, quạt, nồi cơm điện và một số thiết bị sử dụng điện khác. Ông Nguyễn Hữu Tài - Giám đốc Công ty TNHH TM&DV điện tử Việt Nhật (Quy Nhơn), cho hay: “Có cung ắt có cầu! Thuế các mặt hàng điện máy nhập khẩu giảm, trong khi hàng trong nước chưa đa dạng mẫu mã nên phải nhập khẩu về đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Quy Nhơn, nhiều mặt hàng xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… chiếm khá nhiều tại các quầy hàng gia dụng, bánh kẹo, trái cây, đồ uống, gia vị. Đặc biệt, kể từ khi Thái Lan thâu tóm các siêu thị Việt, hàng hóa của nước này đã tràn ngập trên các kệ hàng.
Khẳng định có sự khác biệt với các siêu thị có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh khi bày bán các loại hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, hệ thống siêu thị Co.opmart tập trung kinh doanh hàng Việt. Dù vậy, Co.opmart cũng không nằm ngoài “cuộc chơi” của sự phát triển ồ ạt hàng ngoại nhập. Đối với các mặt hàng mà hàng ngoại có ưu thế vượt trội hàng sản xuất trong nước về chất lượng, công nghệ, tính tiện dụng… Co.opmart xem xét đưa vào kinh doanh song song với hàng nội. Tại hệ thống Co.opmart, hàng ngoại nhập chiếm nhiều ở các nhóm hàng điện dân dụng, mỹ phẩm, trái cây.
Ông Thái Lương Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, cho hay: “Không chỉ dừng ở mức độ giới thiệu, nhiều sản phẩm ngoại nhập đã thâm nhập và trở thành hàng tiêu dùng không thể thiếu trong một số gia đình. Ví dụ, Việt Nam được xem là có thế mạnh về nông sản, nhưng đến nay bánh kẹo, trái cây sấy khô… của Thái Lan, Trung Quốc đã bày bán rất nhiều và là lựa chọn của không ít NTD”.
Liên kết và thay đổi
Hàng ngoại nhập đổ bộ sẽ gia tăng sự lựa chọn cho NTD, nhưng nó cũng phản ảnh sự yếu thế của DN nội. Đứng ở khía cạnh của nhà phân phối, ông Thái Lương Hùng cho rằng, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, sự gia nhập thị trường của các nhà bán lẻ nước ngoài... là những nguyên nhân chính dẫn đến hàng ngoại nhập gia tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các DN chúng ta có quy mô nhỏ, ít vốn, trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, thiếu chiến lược dài hơi, thiếu liên doanh liên kết, thiếu sáng tạo trong sản phẩm, ít chịu điều tra nghiên cứu thị trường… dẫn đến suy giảm sức cạnh tranh.
Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất làm giả, làm nhái nhãn hiệu hàng Việt thu lợi bất chính cũng làm cho niềm tin vào hàng Việt bị sút giảm, khiến một bộ phận NTD có thu nhập cao chuyển sang lựa chọn sản phẩm ngoại vì quan tâm đến chất lượng, đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu, thuế các mặt hàng xuất nhập khẩu tiếp tục giảm theo lộ trình, kéo theo cuộc chiến giữ thị trường nội của hàng Việt sẽ ngày càng gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, hàng Việt phải chấp nhận cuộc chơi và để cạnh tranh được hàng ngoại đòi hỏi các DN phải nâng cao “thế đứng” cho sản phẩm một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào chất lượng, giá thành mà còn phải tạo được sức hút với NTD ngay từ bao bì, mẫu mã.
Đó là sự chuyển động cần thiết đối với các DN trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Công ty cổ phần Nước khoáng Quy Nhơn cho biết, song song với các mặt hàng nước giải khát đóng trong các lon, chai truyền thống, cuối năm 2016 DN này đã mạnh tay đầu tư hơn 10 tỉ đồng cho dây chuyền sản xuất 4 loại sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã với sự ra đời mẫu lon nước giải khát loại 330 ml.
Hay như Công ty cổ phần SX-TM-DV Tiến Phát, cùng với chiến lược tiếp thị quảng bá cho sản phẩm trà túi lọc các loại, cũng đã đầu tư khoản lớn để nâng cấp trang thiết bị, máy đóng gói; thuê hẳn thiết kế bao bì từ công ty nước ngoài. Chủ DN này - ông Nguyễn Xuân Quang - cho hay: “Ngay như việc đưa sản phẩm vào các khách sạn trên địa bàn tỉnh, riêng hộp đựng trà chúng tôi đã đầu tư thiết kế mẫu mã kỹ lưỡng. Không thể chỉ “ăn chắc mặc bền”, sản phẩm làm ra cũng phải khoác lên mình “chiếc áo” đẹp, để tạo sức hút với NTD và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại”.
MAI HOÀNG