Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật ở Quy Nhơn: Ða dạng nhưng cần có chiều sâu
Hơn hai năm qua, đã có gần chục chương trình nghệ thuật quy mô được tổ chức tại TP Quy Nhơn, thu hút nhiều đối tượng khán giả. Những chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện này có sự đa dạng, tạo cơ hội cho lực lượng diễn viên, nghệ sĩ tỉnh nhà tham gia đóng góp tích cực hơn.
Một tiết mục nghệ thuật tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI-2016. Ảnh: VĂN LƯU
Trong nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện của tỉnh hơn hai năm qua, các đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện đã “liệu cơm gắp mắm” từ nguồn kinh phí và nhân lực tỉnh nhà để dàn dựng các chương trình có quy mô, chất lượng phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khán giả.
Phát huy tốt “cây nhà lá vườn”
Ông Mai Ngọc Thinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Trung tâm được Sở VH-TT giao trách nhiệm thực hiện các khâu dàn dựng chương trình nghệ thuật tại nhiều sự kiện những năm qua. Các khâu thiết kế, trang trí sân khấu được các họa sĩ của Trung tâm tìm tòi thực hiện có sự sáng tạo, đạt hiệu quả và tiết kiệm. Lực lượng của Trung tâm cũng tích cực tham gia vào việc dàn dựng, biểu diễn trong một số chương trình”.
Những năm trước đây, khi tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện lớn, tỉnh ta thường giao trọn gói cho một nhà tổ chức nào đó. “Bụt chùa nhà không thiêng”, tại các chương trình này, từ kịch bản, đạo diễn cho đến ca sĩ, nhạc công, thậm chí cả vũ công múa phụ họa cũng đến từ các thành phố lớn. Bởi vậy chi phí đội lên rất cao. Điều đáng nói là đầu tư lớn, tốn kém nhưng hiệu quả lại không tương xứng. Trong khi lực lượng tại chỗ lại bị bỏ phí.
Nhằm tiết kiệm kinh phí và tạo điều kiện khai thác, phát huy được nguồn nhân lực văn nghệ sĩ tỉnh nhà, một số chương trình nghệ thuật lớn ở TP Quy Nhơn thời gian qua đã huy động phần lớn là “cây nhà lá vườn” từ tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ đến các lực lượng tham gia biểu diễn.
Những nghệ sĩ có uy tín như nhạc sĩ Đào Minh Tâm được giao làm Tổng đạo diễn chương trình Lễ hội Du lịch hè Bình Định 2016, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Định 2016; NSND Hoài Huệ làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật chào mừng khánh thánh tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành...
“Là đạo diễn ở địa phương nên nắm bắt rõ được nguồn nhân lực diễn viên, nghệ sĩ ở địa phương để khai thác, phát huy trong chương trình nghệ thuật được hiệu quả. Khi dàn dựng theo hướng tiết kiệm kinh phí nhưng cố gắng đảm bảo yêu cầu về chất lượng nghệ thuật”, nhạc sĩ Đào Minh Tâm chia sẻ.
Tạo “chiều sâu” cho chương trình nghệ thuật
Một số chương trình nghệ thuật có quy mô trong thời gian qua đều ít nhiều đi theo mô típ giới thiệu về bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương Bình Định qua các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như võ cổ truyền, tuồng, bài chòi… nhưng cách dàn dựng ít đổi mới, lôi cuốn khán giả khi họ đã được xem “tương tự” trong những chương trình trước đó.
Anh T.V.B (một khán giả thường xuyên theo dõi các chương trình nghệ thuật ở Quy Nhơn, đề nghị không nêu tên) nhận xét: “Một số phần biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật được dàn dựng gây cảm giác “lấy thịt đè người”. Huy động rất đông người cùng tham gia biểu diễn cả trên và dưới sân khấu, có lẽ đạo diễn muốn tạo cảm giác hoành tráng. Nhưng tôi và nhiều người khi xem lại thấy như thế là làm rối mắt, phân tán sự tập trung trong thưởng thức. Hiệu quả truyền đạt nội dung, ý nghĩa rất thấp”.
Biên đạo Hoàng Việt, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định, góp ý: “Tùy từng nội dung tiết mục, chủ đề và kể cả thể loại mà dàn dựng múa phù hợp trong các chương trình nghệ thuật. Chẳng hạn chương trình dạng sử thi thì thủ pháp biên đạo phải gắn liền với sự kiện, nhân vật lịch sử, tùy trong mỗi bố cục thì xử lý đặc tả hay đồng diễn… chứ không phải lúc nào cũng sử dụng đông người biểu diễn một cách không phù hợp, mất nhiều công sức và tốn kém. Điều này đã làm giảm chất lượng một số chương trình nghệ thuật quy mô lớn tôi đã được xem ở Quy Nhơn thời gian qua”.
Càng về sau, tỉnh ta sẽ càng có thêm nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Những chương trình đó đòi hỏi phải tiết kiệm, phục vụ được nhiều mục tiêu, giàu ý nghĩa tuyên truyền nhưng vẫn sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn công chúng.
Chẳng hạn sắp đến sẽ là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong Lễ hội Du lịch hè Bình Định 2017, bên cạnh những tiết mục mang tính đương đại, nên khai thác bản sắc văn hóa truyền thống vùng miền, với những loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống người dân miền biển như hát múa bả trạo, múa sắc bùa, các làn điệu dân ca… theo cách dàn dựng có sự sáng tạo mới, lôi cuốn người xem.
Năm 2015, có đến 4 chương trình nghệ thuật quy mô lớn mang chủ đề: Khát vọng trẻ 9; Hào khí vươn cao, khát vọng bay xa; Cha, Con và Tổ quốc; Bài ca chiến thắng - Bình Ðịnh 40 năm xây dựng và phát triển.
Năm 2016 có chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Du lịch hè Bình Ðịnh lần đầu tiên được tổ chức, chương trình khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Ðịnh 2016.
Ðầu năm 2017 đến nay, trong dịp Tết cổ truyền có hoạt động mới Lễ hội du lịch Xuân Ðinh Dậu - 2017, gần đây nhất là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 -19.5.2017) và khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành.
HOÀI THU