Trình diễn vở tuồng kinh điển “Hồ Quý Ly“
Tối ngày 26.5, tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở tuồng Hồ Qúy Ly tái ra mắt công chúng đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của tác giả Xuân Yến.
Những người thuộc ê kíp chính sáng tạo vở tuồng Hồ Quý Ly nhiều người đã về hội tụ với ông bà nơi xa ngái: Tác giả: TS. Xuân Yến, đạo diễn: GS. TS. NSND Đình Quang, Biên đạo múa: NSND Trần Minh, âm nhạc: NSƯT Xuân Vượng... Nhưng thật kỳ lạ, tác phẩm tuồng Hồ Quý Ly của họ để lại với người hôm nay vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự và vẫn là một trong những sáng tác của nền Tuồng cách mạng đã trở thành kinh điển.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời trung đại, không một cá nhân hay triều đại nào đã thực hiện cải cách đất nước một cách toàn diện và triệt để bằng Hồ Quý Ly và triều Hồ: dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa khi xây thành ở đây, đổi tên nước thành Đại Ngu, dùng tiền giấy thay tiền đồng để có thêm nhiều đồng đúc vũ khí chống giặc, đổi mới thi cử khi khuyến khích không chỉ giỏi thi thư mà còn phải biết toán pháp...
Một cảnh trong vở tuồng Hồ Quý Ly.
Là một quý tộc có chí khí, đúng khi thời vận nhà Trần đã mạt, ông đoạt quyền thành lập ra triều đại mới và mạnh dạn dùng pháp trị để gắng gỏi chuyển xoay đất nước. Tuy nhiên, những chính sách của một triều đại vẫn bị coi là Ngụy khi cướp ngai vàng từ triều đại trước, lại dùng kỷ cương phép nước quá đà khi lạm dụng quyền lực, khiến người dân oán thán kêu than.
Không tìm được sự ủng hộ vì những chính sách quá tàn bạo, không quan tâm tới đời sống của người dân, từ bỏ con đường kêu gọi Hội nghị Diên Hồng của triều Trần đi trước khi không lựa chọn lấy dân làm gốc... Thế nên, khi tài năng, thời thế và thực lực chẳng được như mong muốn - càng nôn nóng, hăm hở thực hiện cải cách, Hồ Quý Ly càng mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng và tất yếu dẫn tới kết cục bi thảm: Sự nghiệp cải cách của ông đã nhanh chóng sụp đổ cùng với vương triều Hồ.
Vở tuồng cố gắng để giữ lại đúng tinh thần của những người giàu tâm huyết lớp trước.
Nhiều trăm năm nay, các nhà ghi sử chế độ phong kiến đã kết án ông tham quyền mà gây nạn lớn cho dân tộc. Nhưng với các nghệ sĩ, ẩn số Hồ Quý Ly đã kích thích họ tìm hiểu để chiêu tuyết, góp thêm một cách nhìn mới. Đặc biệt, chính ở nhân vật còn nhiều ẩn số này, người nghệ sĩ đương thời đã tìm được sự đồng điệu trong một hình tượng nghệ thuật lấp lánh ánh sáng của người đi tiên phong nên dễ gặp thất bại- yếu tố chính làm nên những nhân vật bi kịch bất hủ.
Những đóng góp mà Hồ Quý Ly và triều Hồ để lại dấu ấn trong lịch sử không lớn bằng những bài học người đời sau có thể ghi nhận, đánh giá. Đúng như hai mươi năm sau, Ức Trai Nguyễn Trãi đã nói về ông: ANH HÙNG DI HẬN KỶ THIÊN NIÊN. Ê kíp sáng tạo qua tác phẩm như muốn gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về bài học ngàn đời: người đưa thuyền lên cũng là dân, người lật thuyền cũng chính là dân, dân phải là gốc của mọi chính thể.
Vở diễn từng được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1999 với tập thể mạnh của các nghệ sĩ tài năng Nhà hát tuồng Việt Nam. Những nhân vật lịch sử cách chúng ta hàng mấy thế kỷ đã sống lại, đầy đặn dưới góc nhìn của người hôm nay. Những năm tháng dựng vở Hồ Quý Ly cũng là khi chính sách đổi mới đã được thực hiện hơn chục năm, nghệ thuật tuồng cũng đã qua rồi câu hỏi đau đáu: hình thức tuồng có còn hữu ích, còn tìm được tiếng nói trong bối cảnh xã hội đương đại... nên các nghệ sĩ đã thỏa sức sáng tạo.
Như nhân vật chính Hồ Quý Ly, thuộc vai kép văn võ toàn tài nhưng cũng không hẳn là vai kép chính diện, nên sắc thái của nhân vật cũng được nghệ sĩ Ánh Dương (nay đã là NSND) nhấn với nét đảo mắt liên tục cùng động tác khoát tay khoa trương sức mạnh... Các vai thứ của những nghệ sĩ như Xuân Quý, Minh Gái (nay đã là NSND), Minh Tâm (nay là NSUT), Ngọc Tuấn... đã được khắc họa tốt dựa trên những vai mẫu của tuồng.
Bi kịch của người anh hùng không gặp thời, chịu những hạn chế lịch sử, hạn chế trong tầm nhìn cá nhân trước thời cuộc... nên dù trí lớn tài cao cũng không thể đi tới đích chung cuộc với bàn tay nhào nặn và chắt lọc của người biên kịch, cùng sự đồng điệu giữa những người đồng chí hướng của đạo diễn, nhạc sĩ... đã làm cho tên tuổi vở diễn sống mãi. Lớp khán giả của năm cuối thế kỷ XX đã đón nhận nó với tâm thế tự hào, rưng rưng và trân trọng một thế hệ nghệ sĩ đã dày công để chiêu tuyết cho nhân vật lịch sử đặc biệt này.
Sau gần 20 năm dựng lại vở diễn này, trình diễn tại Nhà hát Lớn, nơi vẫn được coi là thánh đường của sân khấu Việt hiện nay, đã có một số vị trí của các nghệ sĩ biểu diễn được thay bằng thế hệ trẻ hơn như vai Thánh Ngẫu của NSND Minh Gái đã được Lộc Huyền đảm nhiệm, NS Vũ Linh đóng vai Trần Khát Chân, Đức Anh vai vợ Lê Khương... nhưng bản diễn do NSUT Đặng Bá Tài phục dựng đã cố gắng để giữ lại đúng tinh thần của những người giàu tâm huyết lớp trước.
Hi vọng rằng, với quyết tâm của tập thể nghệ sĩ biểu diễn trân trọng lao động nghệ thuật của một thế hệ vàng từng là tác giả, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ... của vở diễn đặc biệt này vẫn gợi lại được đầy đủ cảm xúc nơi khán giả đương thời, giúp họ “sống chậm” và hiểu sâu hơn những bài học đầy máu và nước mắt mà lịch sử đã chắt lọc lại qua trái tim đầy nhạy cảm của người nghệ sĩ./.
Theo Cao Ngọc (VOV.VN)