Ứng dụng GIS trong quản lý đô thị và ngập lụt: Góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra
Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đang triển khai 2 đề tài ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý đô thị và ngập lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BÐKH) ở TP Quy Nhơn. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðinh Văn Tiên - Phó giám đốc Sở TN-MT, kiêm Giám đốc Văn phòng Ðiều phối về BÐKH tỉnh (CCCO Bình Ðịnh) - quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết, cơ sở nào để thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng GIS trong quản lý đô thị và ngập lụt?
Ông Đinh Văn Tiên
- Chúng ta biết rằng, do ảnh hưởng của BÐKH, những năm gần đây TP Quy Nhơn - Bình Ðịnh liên tiếp phải hứng chịu khá nhiều đợt mưa lũ nặng. Liên tục từ năm 2007 đến nay, cứ có mưa lớn thì toàn bộ 712 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của hai phường Nhơn Bình và Nhơn Phú - TP Quy Nhơn bị ngập úng nặng, cùng với nhiều thiệt hại. Trong đó, nghiêm trọng nhất là những đợt mưa lũ xảy ra vào các năm 2007 - 2009 - 2013 - 2016.
Chính vì vậy, CCCO Bình Ðịnh đã lựa chọn 2 đề tài để hỗ trợ nghiên cứu: “Ứng dụng GIS để phân tích ngập lụt khi xảy ra siêu bão ở phường Nhơn Bình - TP Quy Nhơn” (sau đây viết tắt là ÐT 1) và “Ứng dụng GIS để phân tích ngập lụt ở phường Nhơn Bình - TP Quy Nhơn qua chuỗi các trận lụt năm 2009 - 2013 - 2016” (ÐT 2).
ÐT 1 do nhóm nghiên cứu (NNC) của Khoa Ðịa lý - Ðịa chính - Trường Ðại học Quy Nhơn và Sở NN-PTNT Bình Ðịnh (gọi là NNC số 1) thực hiện. ÐT 2 do NNC của Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT - Sở TN-MT) và CCCO Bình Ðịnh (gọi là NNC số 2) thực hiện. Hai đề tài nghiên cứu nói trên thuộc khuôn khổ “Chương trình Mạng lưới các thành phố ở châu Á có khả năng chống chịu với BÐKH (ACCCRN)”. Chương trình được sự tài trợ của Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) và sự điều phối, tư vấn của Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET).
* Ông có thể cho biết nội dung cụ thể của 2 đề tài?
- Mục đích của ÐT 1 nhằm nâng cao năng lực ứng phó với ngập lụt trong bối cảnh BÐKH như: Năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý tình huống khi xảy ra siêu bão; có kế hoạch chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi trú ẩn an toàn, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai… cho người dân và chính quyền địa phương. Ðề tài sử dụng phương pháp GIS chồng xếp các lớp dữ liệu, kết hợp bản đồ ngập lụt do nước biển dâng để phân tích và xác định khu vực ngập lụt phường Nhơn bình. NNC cũng tiến hành điều tra thực địa, kiểm chứng kết quả bản đồ và tham khảo ý kiến chuyên gia để đưa ra các kết quả đánh giá về khả năng chống chịu của người dân, cơ sở hạ tầng trước thiên tai.
Nhơn Bình là địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lũ.
- Trong ảnh: Cảnh tượng lũ lụt tại đường Hùng Vương - phường Nhơn Bình cuối năm 2016.
Ðối với ÐT 2, NNC số 2 sẽ xây dựng bản đồ GIS phân vùng ngập lụt nặng ứng với các trận lụt vào các năm 2009 - 2013 - 2016; đồng thời phân tích sự thay đổi về tình trạng ngập lụt ứng với các trận lụt trên.
* Đến nay, có thể nói gì về kết quả của 2 đề tài nghiên cứu trên, thưa ông?
- Có thể nói, bước đầu 2 đề tài nghiên cứu nói trên đã đạt được những kết quả khả quan. NNC số 1 đã cơ bản hoàn thành kết quả phân tích ngập lụt tại phường Nhơn Bình bằng công nghệ GIS; xác định được những vùng dễ bị tổn thương khi xảy ra ngập lụt do siêu bão tại phường Nhơn Bình. Hoàn thành việc điều tra, phân tích khả năng ứng thích của người dân một số khu vực thuộc phường Nhơn Bình. NNC số 1 còn đề xuất: Từ bản đồ ngập lụt, có độ sâu ngập và thời gian ngập cho từng khu vực, chính quyền địa phương cần có phương án hỗ trợ cho người dân ở khu vực gặp mức độ nguy hiểm cao nhất; có biện pháp tích cực trong phòng chống thiên tai.
NNC số 2 cũng đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát thực địa, xác định rõ đặc điểm tự nhiên, KT-XH một số khu vực thuộc phường Nhơn Bình; xây dựng bản đồ ngập lụt và phân tích nguyên nhân gây lũ trong quy hoạch xây dựng đô thị.
Kết quả của 2 đề tài nghiên cứu nói trên là cơ sở khoa học để hỗ trợ địa phương và Trung ương ứng phó kịp thời với tình huống có bão mạnh hoặc siêu bão; đồng thời cảnh báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch, thẩm định, thẩm tra các dự án xây dựng tác động đến ngập lụt…
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)