Chuyên nghiệp như Đại hội TDTT… phường!
Mới đây, có dịp xem một trận chung kết giải bóng chuyền trong khuôn khổ Đại hội TDTT của một phường thuộc TP Quy Nhơn, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trận đấu có chất lượng còn hơn cả giải vô địch tỉnh. Rất nhiều pha bóng hay, đẹp mắt đã làm mãn nhãn hàng trăm cổ động viên quây kín bốn mặt sân. Khán giả (trong đó có không ít phụ nữ và người lớn tuổi) hết sức hào hứng theo từng pha bóng, luôn miệng tấm tắc khen ngợi kỹ thuật, sức bật của các VĐV trên sân.
Nhưng mang tiếng là đội bóng của khu phố này đánh với khu phố khác, mà chẳng ai biết được tên VĐV đang đại diện cho khu phố mình đang thi đấu trong kia. Bởi lẽ gần như 100% cầu thủ trên sân (của cả hai đội) đều là người ở địa phương khác. Gần thì trong TP Quy Nhơn, xa hơn chút là ở các huyện, thậm chí có VĐV đến từ Gia Lai và đặc biệt hơn còn có một chủ công cao kều là sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Quy Nhơn.
Với hàng loạt tên tuổi hàng đầu của bóng chuyền Bình Định, cộng thêm những VĐV ngoài tỉnh, trận đấu diễn ra hấp dẫn là điều dễ hiểu. Và tất nhiên, khán giả ở phường nọ cũng được sống trong những ngày sôi động, khi tham gia theo dõi, cổ vũ cho đội bóng “khu phố mình”. Tuy nhiên, Ban Tổ chức giải cũng phải đứng ra giải quyết khá nhiều vụ kiện tụng về nhân sự, khi đội này bỗng nhiên “xé rào” đưa thêm người ngoài vào thi đấu. Thậm chí, có cầu thủ sau khi bị loại đã đầu quân cho chính đội vừa thắng mình thi đấu tiếp vòng sau. Rất may là cuối cùng giải cũng đã “về đích an toàn”.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là một giải đấu nằm trong khuôn khổ Đại hội TDTT cấp phường có được phép mở rộng đối tượng như thế hay không? Bởi một trong những mục đích chính của Đại hội TDTT là đánh giá phong trào luyện tập TDTT ở một địa phương, đơn vị. Và với việc sử dụng quá nhiều “cầu thủ ngoại” như thế khiến việc đánh giá không thể chính xác. Kết quả đó còn ảnh hưởng đến thành tích chung của cả kỳ Đại hội, bởi số điểm toàn đoàn bị sai lệch từ những môn thi đấu đơn lẻ. Một cán bộ Phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT), cho rằng đây là cách tổ chức không đúng so với tinh thần Đại hội TDTT. Còn với các giải vô địch hàng năm thì địa phương, đơn vị hoàn toàn có thể mở rộng đối tượng để tăng sức hấp dẫn.
Điều đáng nói, đây không phải là địa phương đầu tiên và duy nhất tổ chức giải theo kiểu cho tăng cường người ngoài địa phương. Việc sử dụng đối tượng thi đấu không phù hợp, hoặc “phù phép” về giấy tờ hộ tịch để có người thi đấu cho đơn vị mình cũng đã xảy ra không ít. Phần nhiều trong số đó đều vì “bệnh thành tích”, làm mất đi ý nghĩa thực sự của Đại hội TDTT. Đây là điều cần được các cơ quan chuyên môn nhắc nhở, định hướng lại để các giải đấu diễn ra đúng thực chất, phản ánh đúng phong trào TDTT tại các địa phương!
ÐỨC MẠNH