Phát triển vùng nguyên liệu mì gắn với công nghiệp chế biến ở Vân Canh: Kết quả không như mong đợi
Mì là cây trồng chủ lực của huyện Vân Canh, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nên việc phát triển vùng nguyên liệu mì gắn với công nghiệp chế biến ở địa phương này đến nay chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thay mì bằng keo
So với các địa phương khác, Vân Canh có nhiều lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững, bởi đất đai, khí hậu nơi đây phù hợp với cây mì. Mì cũng là cây trồng quen thuộc với nông dân địa phương, nên việc áp dụng quy trình đầu tư chăm sóc thâm canh vào thực tế dễ dàng hơn. Hơn nữa, năm 2015, Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm đã xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột mì ở xã Canh Thuận, là điều kiện thuận lợi cho nông dân giải quyết đầu ra sản phẩm, yên tâm đầu tư phát triển loại cây trồng này. Thực tế doanh nghiệp nói trên cũng đã triển khai mua mì nguyên liệu của nông dân, song việc phát triển vùng nguyên liệu mì gắn với công nghiệp chế biến ở Vân Canh vẫn còn gặp không ít khó khăn, bởi cây mì không còn là lựa chọn số một của nông dân địa phương.
Nông dân xã Canh Thuận thu hoạch mì.
Ông Đinh Văn Dũng, nông dân ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, cho biết: Mặc dù đầu ra cây mì rất thuận lợi, nhưng chi phí đầu tư, chăm sóc cao, hiệu quả kinh tế không bằng cây keo, nên gia đình tôi đã chuyển hơn 2 ha mì sang trồng keo”.
Ông Kim Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết: Cách đây 3-4 năm, cây mì vẫn là lựa chọn số một của nông dân. Ngoài diện tích được Nhà nước giao khoán, nhiều hộ còn thuê lại đất của người khác để trồng mì, nên diện tích mì của xã ổn định khoảng 540 ha/năm. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế cây mì thấp, nên nhiều hộ dân đã phá bỏ mì chuyển sang trồng keo, diện tích mì của xã giảm xuống còn khoảng 240 ha”.
Theo tính toán của Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, tổng chi phí trồng 1 ha keo (chu kỳ 5 năm) là 52,25 triệu đồng, nông dân có thu nhập 98 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 40,75 triệu đồng/ha. Trồng keo không tốn công và chi phí tái đầu tư hàng năm, nông dân có thể tận dụng quỹ thời gian rỗi chờ thu hoạch keo để làm những công việc khác kiếm thu nhập thêm. Đến kỳ thu hoạch, trường hợp giá keo nguyên liệu thấp, đầu ra khó khăn, nông dân có thể chờ tăng giá để bán, không những không ảnh hưởng đến thu nhập mà còn có thể có thu nhập cao hơn, nhờ sản lượng keo nhiều hơn trước. Hơn nữa, nông dân suy nghĩ đầu tư trồng keo giống như tích góp, để dành vốn, sau 5 năm sẽ thu một lần với số tiền lớn, có thể sử dụng để đầu tư cho những việc lớn, như: Đám cưới, sửa chữa, xây nhà mới hoặc gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, tổng chi phí đầu tư 1 ha mì (1 vụ/năm) 26,32 triệu đồng, nông dân có thu nhập 30,8 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 4,48 triệu đồng/vụ. Thu nhập từ cây mì không cao, nông dân lại mất nhiều công theo dõi, đầu tư chăm sóc và tái đầu tư sản xuất hàng năm. Mặt khác, cây mì chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và rủi ro nhiều hơn cây keo, đến kỳ thu hoạch nhất thiết nông dân phải bán dù giá cao hay thấp. Số tiền thu được từ cây mì hàng năm không lớn, chỉ đủ sử dụng cho những việc nhỏ, khả năng tích góp thấp. Trường hợp đến kỳ thu hoạch, gặp phải mưa lũ kéo dài, gây ngập úng, nông dân sẽ bị thua lỗ nặng. Hơn nữa, những diện tích trồng mì qua 2-3 chu kỳ thì những năm tiếp theo, năng suất và sản lượng mì sẽ bị ảnh hưởng, do đất chưa kịp tái tạo.
“Do hiệu quả kinh tế của cây mì thấp hơn nhiều so với cây keo, nên hiện có 655 hộ dân ở các xã: Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Liên và thị trấn Vân Canh đã tự ý chuyển đổi 588,74 ha đất trước đây trồng mì, mía sang trồng keo”. Ông Trần Văn Khổ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, cho biết.
Khó phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững
Để phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững, đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì và thu nhập cho nông dân, ngày 28.7.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2663 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành trồng trọt Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đối với cây mì, toàn tỉnh phát triển ổn định 11.000 ha (An Lão 650 ha; Hoài Nhơn 1.000 ha; Hoài Ân 500 ha; Phù Mỹ và Tây Sơn mỗi huyện 1.800ha; Vĩnh Thạnh 1.250 ha; Phù Cát và Vân Canh mỗi huyện 2.000 ha).
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mì tại các địa phương. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh, trồng mì rải vụ, trồng mì xen với các loại cây trồng khác, nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Các công ty sản xuất và chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới, đồng thời thực hiện chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu mì, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Trao đổi với PV Báo Bình Định về định hướng phát triển vùng nguyên liệu mì gắn với công nghiệp chế biến của địa phương, ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh, cho biết: Toàn huyện hiện có 1.800 ha mì, năng suất khoảng 24 tấn/ha. Huyện vẫn xác định cây mì là một trong những cây trồng chủ lực, phấn đấu nâng diện tích mì đến năm 2020 lên 2.000 ha, nhưng thời điểm này, vận động nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mì gắn với công nghiệp chế biến là vấn đề khó. Mặc dù Nhà máy chế biến tinh bột mì đã hoạt động, nhưng Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm vẫn chưa làm việc cụ thể với huyện để bàn bạc về chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu mì lâu dài. Giá mì nhà máy đã mua trong thời gian qua có cao hơn chút đỉnh so với những địa phương khác, nhưng thực sự chưa khuyến khích được nông dân đầu tư phát triển loại cây trồng này.
PHẠM TIẾN SỸ