Chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm chuỗi giá trị thịt lợn
Chiều 23.5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn chuỗi giá trị thịt lợn.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức kiểm soát theo nguyên tắc “từ trang trại đến bàn ăn,” đặc biệt là kiểm soát thức ăn, thuốc thú y, hóa chất và truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị thịt lợn.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, cho biết Đan Mạch là quốc gia có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tốt nhất trên thế giới. Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được Việt Nam quan tâm thực hiện trong thời gian qua, trong đó ưu tiên đến chuỗi sản phẩm thịt lợn vốn được chăn nuôi, sản xuất lớn và tiêu thụ nhiều trên thị trường. Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch đã ký nghị định thư hợp tác về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
Năm 2016, hai bên đã có hợp tác chiến lược về an toàn thực phẩm chuỗi giá trị thịt lợn. Thời gian thực hiện hợp tác chiến lược này là hai năm (2017-2018), trong đó Đan Mạch hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng và chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn của các cơ quan quản lý và từ các chuyên gia.
Mục tiêu cụ thể của hợp tác chiến lược này góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng các chiến lược bền vững về kiểm soát an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn thực hành trong chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, ông Finn Clemmensen, Cố vấn cao cấp Cơ quan quản lý thực phẩm và thú y - Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch, cho biết Đan Mạch có 39.000 nông trại chăn nuôi và 60.000 người điều hành kinh doanh thực phẩm đảm bảo việc xuất nhập khẩu nông sản. Cả nước nuôi 13 triệu con lợn, cung cấp 2 triệu con ra thị trường mỗi năm. Sau khủng hoảng về dịch bệnh bò điên cũng như sữa nhiễm hóa chất của Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành nhiều quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm.
Tại Đan Mạch, người chăn nuôi phải đảm bảo những quy định an toàn, cơ quan quản lý có kế hoạch kiểm soát chất lượng thực phẩm trong toàn quốc và kiểm soát người điều hành kinh doanh thực phẩm. Các khâu kiểm soát từ chăn nuôi, thức ăn, giết mổ, vận chuyển đều dựa trên những nguyễn tắc chung về an toàn thực phẩm để đảm bảo phù hợp với những quy định khác nhau của mỗi quốc gia trong EU. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh và người điều hành kinh doanh thực phẩm tại Đan Mạch đảm bảo những tiêu chuẩn phù hợp cho việc xuất khẩu.
Qua việc khảo sát thực tế ở Việt Nam, ông Finn Clemmensen cho rằng Việt Nam có nhiều hiệp hội về trồng trọt, chăn nuôi, tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu do các cơ quan nhà nước thực hiện.
Khảo sát một số đia điểm giết mổ, kinh doanh thịt lợn ở Việt Nam nhận thấy một số người hoạt động trong lĩnh vực này chưa tuân thủ nghiêm những quy định về an toàn thực phẩm. Cần có những quy định hoặc tuyên truyền để những người liên quan đảm bảo an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn.
Theo đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các trang trại chăn nuôi lợn ở Đan Mạch đều được đánh số và đăng ký với cơ quan chức năng. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu hộ gia đình và trang trại nuôi lợn, khoảng 29.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, việc kiểm soát những đơn vị này là vấn đề khó khăn. Đây là vấn đề cần những giải pháp thực hiện hiệu quả mà Đan Mạch có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện được quá trình đăng ký.
Đối với vấn đề này, Cố vấn Finn Clemmensen cho biết bên cạnh việc bắt buộc đăng ký để được tham gia các hoạt động kinh doanh thực phẩm, cũng phải thực hiện các giải pháp để những đơn vị liên quan hiểu rằng việc tuân thủ quy định nhằm đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm để sản phẩm có thể đến được với người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Phòng thú y cộng đồng - Cục Thú y, cho biết trong thời gian tới, các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình giám sát hằng năm về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, triển khai đề án đảm bảo an toàn thực phẩm trong vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014-2020. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Theo NGUYỄN XUÂN DỰ (TTXVN/Vietnam+)