Trung Quốc đang thực thi “quyền lực mềm” như thế nào?
Với việc Mỹ đang thể hiện sự cứng rắn và mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc chọn thái cực ngược lại khi tự định vị là nước đứng đầu trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế.
Bắc Kinh thể hiện rõ ước muốn có vai trò lãnh đạo quốc tế lớn hơn thông qua việc tăng cường quyền lực mềm.
Trong 10 năm qua, chính phủ Trung Quốc từng bước phát triển mạng lưới truyền thông rộng khắp toàn cầu, trong khi cũng thiết lập nhiều trung tâm văn hoá trên toàn thế giới.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của việc quảng bá truyền thống, giá trị, văn hoá và ngôn ngữ của Trung Quốc, nhưng các chương trình này vẫn nhận được rất nhiều nguồn tài chính để tồn tại.
Trung Quốc bắt đầu đầu tư cho quyền lực mềm khi nào?
Quan chức và học giả Trung Quốc đề cập đến tầm quan trọng của văn hoá Trung Quốc từ những năm 1990 và 2000, nhưng khái niệm “quyền lực mềm” mới chỉ được nói đến trong chính sách quốc gia lần đầu tiên tại Đại hội lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2007.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng, nước này cần đẩy mạnh quyền lực mềm, nhằm truyền tải tốt hơn thông điệp của Trung Quốc với thế giới.
Mặc dù nguồn tài chính dành cho chiến dịch quyền lực mềm của Trung Quốc không được tiết lộ, nhưng các chuyên gia ước tính số tiền có thể lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc David Shambaugh, thuộc Đại học George Washington (Mỹ), nói rằng Trung Quốc chi xấp xỉ 10 tỉ đô la Mỹ/năm cho chiến dịch quyền lực mềm.
Đâu là những công cụ quyền lực mềm?
Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” được các nhà lãnh đạo mô tả là một công cụ để thực thi quyền lực mềm. Sáng kiến này kết nối Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Hàng hải, thông qua một mạng lưới rộng lớn, gồm cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, bến cảng và viễn thông, từ Trung Quốc đến khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Tuy nhiên, sáng kiến này không phải là công cụ duy nhất. Trước đó, Bắc Kinh tiến hành nhiều chương trình khác.
1.Viện Khổng tử: Trung Quốc mở Viện Khổng tử đầu tiên tại Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2004. Tính đến tháng 4.2017, nước này lập 500 cơ sở tương tự trên toàn thế giới.
Các Viện Khổng tử này là những tổ chức phi lợi nhuận và thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nơi này là trung tâm của các khoá học tiếng Trung, các lớp nấu ăn và thư pháp, đồng thời cũng là nơi tổ chức các ngày lễ lớn của Trung Quốc.
Viện Khổng tử của Trung Quốc có thể được xem như các tổ chức văn hoá tương tự như Hội đồng Anh (Vương quốc Anh), Alliance Française (Pháp), Viện Goethe (Đức) và Viện Cervantes (Tây Ban Nha).
2. Trao đổi giáo dục: Trung Quốc đang là một trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế. Nước này xếp thứ 3 trong số các nước được sinh viên quốc tế lựa chọn nhiều nhất.
Đa số sinh viên quốc tế đến Trung Quốc đều tự túc chi phí, nhưng Hội đồng cấp học bổng Trung Quốc cũng hỗ trợ tài chính cho cả sinh viên Trung Quốc đi học nước ngoài và sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc. Theo thống kê, năm 2015 có gần 400 ngàn sinh viên quốc tế thuộc 202 quốc gia theo học tại đây.
Mặc dù có một số trường nằm trong top các trường hàng đầu thế giới, như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Phúc Đán, nhưng các cơ sở đào tạo tại Trung Quốc vẫn gắn liền với quan niệm học hành thiên về ghi nhớ hơn là phát triển ý kiến độc lập, cũng như những kiểm duyệt về các đề tài liên quan đến dân chủ và tự do cá nhân.
3. Truyền thông quốc tế: Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ mạnh mẽ các cơ quan truyền thông bằng tiếng nước ngoài, nhằm kiểm soát chặt hơn việc đưa thông tin về Trung Quốc ra thế giới. Điều này giúp Bắc Kinh tiếp cận được một lượng khán giả khổng lồ khi truyền thông cho các sự kiện diễn ra tại Trung Quốc cũng như ở nước ngoài.
Hãng tin Xinhua (Tân Hoa Xã) hiện có hơn 160 chi nhánh ở nước ngoài và dự kiến tăng lên con số 200 vào năm 2020. Các trang China Daily và Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) cũng có các phiên bản tiếng Anh. Trong khi đó, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đổi tên thành Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc hồi tháng 12.2016, đồng thời phát trên 6 kênh, gồm 2 kênh tiếng Anh và các kênh bằng tiếng Ả rập, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc có 27 chi nhánh ở nước ngoài và phát thanh bằng 38 ngôn ngữ khác nhau.
4. Văn hoá phổ thông: Quyền lực mềm mà Trung Quốc thực thi cũng dựa trên sự phổ biến của văn học, nghệ thuật, phim ảnh, ca nhạc và các vận động viên thể thao của nước này. Các nhân vật nổi tiếng như đạo diễn Trương Nghệ Mưu, diễn viên Thành Long, nghệ sĩ piano Lang Lang, hay các vận động viên thể thao Yao Ming và Li Na đều là những đại sứ văn hoá không chính thức của Trung Quốc.
Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng để mắt tới ngành công nghiệp phim của Hollywood. Chẳng hạn như, Dalian Wanda, một trong những công ty truyền thông lớn nhất thế giới, vừa ký một loạt thoả thuận với các hãng phim và chuỗi rạp chiếu phim của Mỹ, trong đó có việc thiết lập đối tác với hãng Sony Pictures và tiếp quản hãng Legendary Entertainment.
Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, các công ty Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội này để có thể trực tiếp tạo dựng hình ảnh của Trung Quốc ở bên ngoài.
Liệu quyền lực mềm có thực sự hiệu quả?
Về bản chất, khó có thể đo được sự hiệu quả của quyền lực mềm. Như trường hợp của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các nước tham gia hiện vẫn tiếp cận một cách cẩn trọng trước những mời gọi của Trung Quốc.
Một số nước ở Đông Nam Á và Nam Á, như Myanmar và Sri Lanka từng bày tỏ sự dè chừng trước sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc tại các nước này. Ngay cả tại Pakistan, nơi dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan nhận được sự ủng hộ rộng rãi, một số vẫn tỏ ra lo ngại điều này có thể tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Bất chấp các nguy cơ có thể xảy ra, nhiều nước trong khu vực vẫn bị hẫn dẫn bởi các lợi ích kinh tế trước mắt.
Để đo lường ảnh hưởng của Trung Quốc, các chuyên gia thường thực hiện các cuộc khảo sát đối với công chúng về nhận diện hình ảnh Trung Quốc.
Chẳng hạn như kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew và mạng lưới chuyên nghiên cứu các vấn đề của châu Phi Afrobarometer cho thấy, người dân tại các nước châu Phi có cái nhìn tích cực về ảnh hưởng của Trung Quốc hơn nhiều nơi khác trên thế giới.
Đa số người được khảo sát tại các quốc gia Nam Mỹ và Mỹ Latin cũng có quan điểm tương tự. Pakistan và Nga cũng nằm trong danh sách này.
Trong giai đoạn 2005-2015, 64% người dân Indonesia được hỏi cho thấy lập trường tích cực với Trung Quốc, nhưng cùng thời gian này, số liệu tại Nhật Bản lại cho thấy sự ngược lại.
Tại các nước phương Tây, như Đức và Mỹ, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc, quan điểm thân thiện với Bắc Kinh của người dân tại đây giảm dần từ năm 2011.
Đâu là hạn chế của quyền lực mềm Trung Quốc?
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc đưa nước này thành hình mẫu để noi theo, nhưng nhiều vấn đề của Bắc Kinh cũng đe doạ làm tổn hại đến hình ảnh nước này. Môi trường ô nhiễm và xuống cấp, các vấn đề về an toàn thực phẩm và nhiều vấn đề khác khiến nhiều nước chần chừ trong việc đi theo mô hình phát triển của Trung Quốc.
Chiến dịch quyền lực mềm của Trung Quốc cũng bị hạn chế với sự thiếu nhất quán giữa hình ảnh Trung Quốc được quảng bá và hành động thực tế của nước này.
Chủ nghĩa dân tộc tăng cao, tranh chấp lãnh thổ quyết liệt hay việc kiểm duyệt truyền thông trong nước và quốc tế phần nào trở thành vật cản cho việc thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc.
Lê Quảng (theo Business Insider, CFR)