Triều Tiên sử dụng vệ tinh của Trung Quốc để điều khiển tên lửa?
Giữa lúc Triều Tiên tăng cường các vụ thử tên lửa nhằm hướng tới mục tiêu sở hữu tên lửa có khả năng chạm tới lãnh thổ của Mỹ, có một vấn đề mà hầu hết chúng ta đều bỏ qua, đó là việc Triều Tiên có khả năng đang sử dụng vệ tinh để định vị chính xác các mục tiêu cho tên lửa.
Một vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng không có hệ thống vệ tinh định vị, điều này làm dấy lên nghi vấn Triều Tiên có thể sử dụng một hệ thống dẫn đường tương tự sau đó kết nối vào hệ thống vệ tinh định vị của Trung Quốc.
Trong khi những thông tin về chương trình quân sự của Triều Tiên rất khó thẩm định, nhiều báo cáo đưa ra vào năm 2014 nói rằng, các kỹ sư của Triều Tiên đã tới Trung Quốc để được huấn luyện về cơ cấu hoạt động của hệ thống vệ tinh định vị của Trung Quốc có tên gọi là Beidou hoặc Compass.
Cũng trong năm đó, một số thông tin khác cho hay, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng sử dụng Beidou cho các hoạt động quân sự.
Ngoài Beidou, một số hệ thống vệ tinh định vị khác mà Triều Tiên có thể lựa chọn tới như hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ và hệ thống Glonass của Nga.
Ông Yu Koizumi, một nhà nghiên cứu thuộc Viện kỹ thuật tương lai của Nhật Bản nói rằng, không loại trừ khả năng Triều Tiên sử dụng vệ tinh Glonass của Nga, song có vẻ như Beidou là lựa chọn khả thi nhất đối với Bình Nhưỡng. Lý do là vì Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và các công nghệ quân sự sang Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân vào năm 2000.
Các vệ tinh Beidou của Trung Quốc được phóng lên vũ trụ từ năm 1994, có chức năng tương tự như vệ tinh GPS của Mỹ. Beidou cung cấp hai loại dịch vụ, một phục vụ cho mục đích dân sự và thương mại, loại còn lại trang bị các hệ thống chống nhiễu để phục vụ mục đích quân sự.
Dù chưa có sự khẳng định chắc chắn nào vệ việc Triều Tiên đang sử dụng vệ tinh quân sự Beidou của Trung Quốc, song cũng có rất ít khả năng Bình Nhưỡng sẽ dùng phiên bản dân sự của vệ tinh này, bởi phiên bản dân sự của Beidou dễ bị các hệ thống gây nhiễu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đánh chặn.
Nếu khả năng Triều Tiên sử dụng vệ tinh Beidou của Trung Quốc là chính xác, Washington sẽ cần Bắc Kinh làm rõ việc Bình Nhưỡng có tiếp cận Beidou hay không.
Đáng quan ngại hơn là Trung Quốc đang có kế hoạch bổ sung thêm ít nhất 30 vệ tinh Beidou mới vào hoạt động vào năm 2020, gia nhập cùng với 20 vệ tinh cùng chủng loại đang hoạt động. Điều này sẽ giúp các tên lửa của Triều Tiên hoạt động càng chính xác hơn.
Hiện tại, vệ tinh Beidou đóng vai trò rất quan trọng đối với tất cả các hoạt động quân sự của Trung Quốc, bao gồm hoạt động thu thập dữ liệu ở Biển Đông cũng như truyền dẫn tin nhắn hai chiều. Trong khi đó, phiên bản dân sự của Beidou có khoảng 700-800 triệu thuê bao ở Trung Quốc đang sử dụng.
Hồng Hà (Theo Asia Times)