Khôi phục và xây dựng mới cơ sở giết mổ động vật tập trung: Chưa đáp ứng yêu cầu thực tế
Thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện Ðề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung (CSGMÐVTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có CSGMÐVTT nào được khôi phục và xây dựng mới hoàn thành đưa vào sử dụng như yêu cầu của đề án.
Nhiều hạng mục của dự án đầu tư xây dựng CSGMĐVTT tại khu vực 9, phường Trần Quang Diệu còn dở dang.
- Trong ảnh: Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định đang thi công bể chứa nước phục vụ hoạt động giết mổ heo. Ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Chậm khôi phục và xây dựng mới CSGMÐVTT
Năm 2007, ông Lê Văn Hùng, ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng CSGMĐVTT trên diện tích gần 1.500 m2. Tuy nhiên, cơ sở này hoạt động được một thời gian ngắn thì đóng cửa, do không có khách hàng đưa gia súc vào giết mổ.
10 năm sau, tháng 5.2017, được sự vận động của ngành chức năng tỉnh và huyện Tuy Phước, ông Hùng cải tạo và sử dụng một phần rất nhỏ diện tích được giao để xây dựng một vài ô chuồng nhốt heo và khu giết mổ heo vừa phục vụ cho gia đình vừa hỗ trợ giết mổ heo cho các chủ trang trại chăn nuôi hưởng ứng chủ trương bình ổn giá thịt heo trên thị trường. Ông Hùng cho biết: “Trước đây, tôi đã đầu tư xây dựng CSGMĐVTT, nhưng không hiệu quả. Nhiều năm qua, vợ chồng tôi xoay trở đủ điều để trả nợ vay đầu tư. Bây giờ, tôi cũng muốn khôi phục lại CSGMĐVTT theo ý của ngành chức năng và chính quyền địa phương nhưng không có kinh phí. Hơn nữa, tôi sợ khôi phục CSGMĐVTT xong không có hộ nào đưa gia súc vào giết mổ, lại thêm khổ”.
Ngoài việc vận động người dân khôi phục CSGMĐVTT đã xây dựng tại thôn Mỹ Điền, ngành chức năng của tỉnh cũng đôn đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSGMĐVTT công suất giết mổ 400 con heo/ngày đêm tại khu vực 9, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án cũng rất chậm. Quan sát tại khu vực xây dựng CSGMĐVTT, chúng tôi thấy các hạng mục, như: Khu giết mổ, chuồng nuôi gia súc, khu xử lý nước thải… vẫn còn dở dang.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định, cho biết: Năm 2015, UBND tỉnh giao mặt bằng cho công ty, nhưng đến tháng 4.2016 ngành chức năng và TP Quy Nhơn mới hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết khu vực này, từ đó công ty mới có cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án. Quá trình thực hiện gặp khó khăn vì nguồn điện, đến tháng 4.2017, công ty mới hoàn thành xây dựng xong đường điện, đảm bảo điều kiện cần thiết để triển khai các hạng mục khác. Hiện công ty đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu đầu tháng 8.2017 sẽ hoàn thành.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, hiện việc xây dựng cổng đưa heo vào khu GMĐVTT và xây dựng hệ thống thoát nước (nước thải sau khi xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn xả ra môi trường) từ khu GMĐVTT ra sông Hà Thanh theo đúng quy trình đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi người dân địa phương phản ứng, cản trở, không cho thực hiện. Nếu không thực hiện được 2 hạng mục nói trên, rất khó đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khó đảm bảo thực hiện đề án
Tỉnh ta hiện có trên 500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm đều của tư nhân, hình thành tự phát, nằm rải rác trong khu dân cư, điều kiện giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rất dễ lây lan dịch bệnh. Với quyết tâm lập lại trật tự trên lĩnh vực này, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quy hoạch CSGMĐVTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu của tỉnh.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Với tiến độ thực hiện như hiện nay, rất khó đảm bảo được mục tiêu của Đề án quy hoạch CSGMĐVTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Thực tế cho thấy, có rất ít doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư kinh doanh lĩnh vực GMĐVTT. Chính quyền các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc khôi phục CSGMĐVTT đã xây dựng và kêu gọi, tạo điều kiện cho các DN đầu tư kinh doanh lĩnh vực nói trên. Chính DN đang xây dựng CSGMĐVTT cũng chưa thực sự quyết tâm. Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP Quy Nhơn và DN bàn bạc, cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, sớm đưa CSGMĐVTT tại phường Trần Quang Diệu vào hoạt động; đồng thời vận động hộ ông Lê Văn Hùng khôi phục CSGMĐVTT tại thôn Mỹ Điền. Sở NN&PTNT cũng đã và đang xây dựng phí dịch vụ giết mổ trình HĐND tỉnh xem xét; tổ chức tập huấn quy trình kiểm soát GMĐVTT cho lực lượng kiểm dịch viên…
Thực tế cho thấy, với hàng trăm điểm giết mổ gia súc gia cầm hình thành tự phát, hiện hữu trong khu dân cư, điều kiện giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rất dễ lây lan dịch bệnh. Thực hiện Đề án quy hoạch CSGMĐVTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 là một trong những giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy ngành nghề chăn nuôi phát triển bền vững. Do vậy, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mới có thể đảm bảo được mục tiêu của tỉnh.
PHẠM TIẾN SỸ