Quy định mới về Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu: Văn nghệ sĩ nhiều... “tâm tư”
Ðiều kiện xét tặng ở một số lĩnh vực còn cao; giá trị giải thưởng duy trì như mức cũ, thấp nhiều so với mặt bằng chung trong khu vực… là phản hồi của văn nghệ sĩ trong tỉnh về Quy định Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu (dành cho văn học - nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bình Ðịnh) mới ban hành, áp dụng cho mùa xét giải thứ 5 (giai đoạn 2011 - 2015) vừa được khởi động.
Quy định này ra đời cùng với Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ban hành ngày 9.5 (có hiệu lực từ ngày 19.5), thay thế cho Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND ngày 7.5.2012 của UBND tỉnh về Quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu (sau đây gọi tắt là Giải thưởng). Vốn kỳ vọng nhiều ở lần thay đổi này, nhưng khi chính sách ban hành, hụt hẫng là tâm trạng chung của nhiều văn nghệ sĩ.
Nhiều ý kiến thống nhất, hai lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh có điều kiện xét tặng quá cao.
- Trong ảnh: Trưng bày tác phẩm mỹ thuật nhân Đại hội Chi hội Mỹ thuật Bình Định khóa V, 2017 - 2022.
Yêu cầu cao
Quan tâm tìm đọc quy định mới và khi nhận ra mình bị loại, nhiều hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định đang khá thất vọng.
“Phản ứng, tâm trạng chung của anh em hội viên với quy định mới áp dụng cho Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu lần thứ 5 là rất buồn, hụt hẫng”.
Ông NGUYỄN AN PHA - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Quy định “một cuộc triển lãm ảnh có từ 40 ảnh trở lên đối với cá nhân” - số lượng gấp đôi so với quy định cũ (2012) - đã đồng thời triệt tiêu cơ hội dự giải mà các tay máy Bình Định có tổ chức triển lãm ảnh cá nhân trong giai đoạn 2011 - 2015 đang hào hứng chuẩn bị gửi tác phẩm tham gia.
Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định Lê Văn Cảnh cho hay: “Anh em hoàn toàn bất ngờ, hầu hết triển lãm ảnh cá nhân nằm trong giai đoạn xét giải đều có số lượng chừng 30 tác phẩm. Như vậy nhiều người không đủ điều kiện dự giải. Tuy vậy, điều anh em bức xúc không phải ở yêu cầu cao đó, mà ở việc ban hành bất hợp lý. Đáng lẽ quy định mới phải được ban hành từ đầu của giai đoạn để các đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định chiếu theo mà thực hiện. Đằng này…!”.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, quy định cũ ghi rõ: “Một phòng triển lãm có từ 20 tác phẩm trở lên, một vựng tập được xuất bản gồm 20 tác phẩm trở lên (đối với cá nhân)” vốn vẫn được xem là yêu cầu cao với khả năng thực tế của họa sĩ trong tỉnh. Nay, quy định mới lại lên mức 30 ở mỗi loại.
Theo họa sĩ Lê Trọng Nghĩa, Chi hội phó Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Bình Định - Xuất bản 1 vựng tập chỉ chừng vài chục trang thôi, đã mất khoảng một trăm triệu đồng. Họa sĩ Bình Định chưa ai thực hiện nổi “giấc mơ” này. Cách dễ hơn để đủ điều kiện dự giải là tổ chức triển lãm. Song số lượng nay tăng thêm như vậy là rất khắt khe.
“Đặc biệt, điều kiện “ít nhất cụm 5 tác phẩm được triển lãm từ cấp khu vực trở lên, trong đó ít nhất 1 tác phẩm đạt giải thưởng” cũng đồng thời “đóng cửa” với hội viên địa phương. Nói “đóng cửa” là bởi, theo quy định của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tại mỗi kỳ triển lãm khu vực, hội viên Trung ương chỉ được gửi tham dự tối đa 2 tác phẩm, hội viên địa phương được 1 tác phẩm. Và tác phẩm của hội viên địa phương không thuộc diện xét giải. Vậy nên, hội viên địa phương không thể có thành tích tại triển lãm cấp khu vực để dự giải! Giải thưởng là giải thưởng của địa phương, tôi nghĩ nên “rộng cửa” để khích lệ anh em”, họa sĩ Lê Trọng Nghĩa trăn trở.
Giải thưởng thấp
Cũng theo họa sĩ Lê Trọng Nghĩa, trong khi lĩnh vực mỹ thuật, tương tự là nhiếp ảnh vốn có yêu cầu cao, lại tiếp tục được nâng lên thành khắt khe thì ở nhiều chuyên ngành khác, quy định khá “dễ” và không tăng.
Ðại diện cho ngành sân khấu, theo NSND Hòa Bình - Chi hội trưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Bình Ðịnh và Chi hội Sân khấu Bình Ðịnh đặt vấn đề: Quy định mới lại tiếp tục “quên” nghệ sĩ biểu diễn - đối tượng đã được kiên trì đấu tranh, kiến nghị bổ sung xét tặng suốt từ khi Giải thưởng ra đời. “Diễn viên có đóng góp to lớn vào thành công của vở diễn, là bộ phận trực tiếp đưa tác phẩm đến công chúng, họ xứng đáng được ghi nhận. Giải thưởng VHNT địa phương ở nhiều tỉnh đều có xét tặng cho nghệ sĩ biểu diễn, như giải của Ðà Nẵng, không chỉ diễn viên mà cả nhạc công, nghệ nhân. Tôi đã “kêu” từ lần tổ chức trao Giải thưởng đầu tiên, đến nay vẫn chưa thấy thay đổi, nếu kiến nghị này vô lý, phía xây dựng, ban hành quy định cũng nên có phản hồi để nghệ sĩ biết nguyên nhân và cảm thấy được lắng nghe, giải đáp”, NSND Hòa Bình kiến nghị.
Có thể nói, “trung tâm của mọi sự so sánh” là mảng văn học, dẫn chứng như quy định 1 tập thơ có 20 bài trở lên hay 1 tập truyện ngắn, tản văn từ 10 bài trở lên (đối với cá nhân). “Quy định về điều kiện xét tặng chưa thật sát, phù hợp với đặc thù từng thể loại, chưa tạo tính công bằng giữa các chuyên ngành là kẽ hở gây tâm lý so sánh, chưa thật sự thoải mái trong anh em hội viên”, họa sĩ Lê Trọng Nghĩa lo ngại.
Chung mối lo này, nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định tự nhìn nhận, điều kiện xét tặng ở mảng âm nhạc vẫn mang tính phong trào, thiếu chuyên nghiệp. Cụ thể, “ở quy định “một chương trình nghệ thuật âm nhạc độc lập của cá nhân hoặc nhóm tác giả đã được biểu diễn, thu đĩa CD, DVD, ghi hình phát trên sóng phát thanh - truyền hình, thời lượng từ 30 phút trở lên”, cần quy định rõ, nâng cao điều kiện xét tặng để hướng đến những live show của cá nhân ca sĩ hay nhạc sĩ hoặc nhóm, đích thực là chương trình biểu diễn âm nhạc, có công chúng thưởng thức. Không nên tiếp tục xét giải cho những chương trình âm nhạc kiểu giới thiệu tác giả - tác phẩm trên sóng các đài phát thanh - truyền hình trong, ngoài tỉnh, bởi bản chất đó là sản phẩm của nhà đài chứ đâu phải công sức sáng tạo hay đầu tư chi phí đứng ra tổ chức của nghệ sĩ âm nhạc. Chính vì điều kiện có phần dễ dãi này mà Giải thưởng ở lĩnh vực âm nhạc 4 kỳ qua có lẽ đã “kém sang” và không công bằng so với một số lĩnh vực, theo tôi cần mạnh dạn thay đổi”, nhạc sĩ Thế Tuyên thẳng thắn kiến nghị.
Bên cạnh đó, tuy không bất ngờ nhưng việc giá trị giải thưởng vẫn giữ như mức cũ (giải A: 20 triệu đồng, B: 12 triệu, Khuyến khích: 5 triệu), được cho là thấp hơn so với mặt bằng chung trong khu vực, cũng khiến cho văn nghệ sĩ trong tỉnh kém vui, bớt hào hứng với quy định mới.
SAO LY