Chi phí điều trị các bệnh không lây nhiễm cao gấp 40-50 lần so với bệnh lây nhiễm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại Hội nghị Phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) các tỉnh phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức sáng 25.5, tại Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các vụ, cục, các bệnh viện Trung ương, Hà Nội và Sở Y tế các địa phương.
Báo cáo của WHO và các báo cáo điều tra trong những năm gần đây cho thấy, 5 BKLN phổ biến tại Việt Nam là: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và rối loạn tâm thần… không những ảnh hưởng đến tuổi thọ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư. Báo cáo Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPs) năm 2015 cho thấy, nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm là do liên quan đến hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực (1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực), lạm dụng rượu bia (77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa nam giới uống ở mức nguy hại) và chế độ ăn không hợp lý.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, chương trình phòng, chống BKLN đã được thành lập và triển khai tại Việt Nam từ năm 2002. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các BKLN. Theo số liệu thống kê của các bệnh viện, tỷ lệ mắc các BKLN đã tăng từ 40% năm 1976 lên 71,6% vào năm 2012. Đặc biệt, hậu quả của các BKLN còn gây ra sự gia tăng chi phí khám chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị cho BKLN cao gấp 40-50 lần so với các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng. “Mặc dù, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nhưng tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang báo động: 70% trường hợp tử vong hằng năm là do bệnh không lây nhiễm, trong số này có đến 40% tử vong trước 70 tuổi”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tại hội nghị, TS Lokky Wai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, BKLN gây ra gánh nặng lớn về kinh tế. Dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các BKLN gây ra. Ước tính tại Việt Nam, chỉ riêng các bệnh liên quan đến thuốc lá đã gây ra thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch và đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp sớm, thì tại Việt Nam, tỷ lệ tim mạch và đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu cũng đã đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật để phòng, chống BKLN cũng như các yếu tố nguy cơ của BKLN; triển khai phòng, chống BKLN tại cộng đồng. Đồng thời kiện toàn mạng lưới để cung cấp các dịch vụ giám sát, dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm từ Trung ương đến tận mạng lưới y tế tuyến xã, thôn, bản…
Theo VƯƠNG THÚY (QĐND)