An Hòa: Nỗ lực khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm
Xã An Hòa (huyện An Lão) có 2.779 hộ sinh sống tại 9 thôn. Bên cạnh sản xuất lúa, địa phương còn có khoảng 175 ha đất màu, đa phần nằm ven hai bờ sông An Lão thuộc hai thôn Trà Cong và Vạn Khánh, hàng năm được phù sa bồi đắp, phù hợp cho việc trồng dâu nuôi tằm.
Vùng dâu tằm ở xã An Hòa. Ảnh: ANH NGA
Là địa phương có truyền thống trồng dâu nuôi tằm từ lâu đời, tuy nhiên, thời gian qua do biến động về giao quyền sử dụng đất, nhất là biến động về giá kén tằm, cả dâu và tằm thường bị bệnh…, nên người dân An Hòa dần bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm, chuyển sang trồng các loại rau màu khác. Mấy năm trở lại đây, giá kén tằm trên thị trường tương đối ổn định, người trồng dâu nuôi tằm nhận thấy thật sự có lãi, nghề này có tác dụng xóa đói giảm nghèo, nên đã từng bước khôi phục lại nghề truyền thống, diện tích dâu tằm ở địa phương tăng lên đáng kể.
Ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, Nghị quyết HĐND xã khóa XI, An Hòa đang nỗ lực khôi phục và duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn; đồng thời xây dựng Đề án trình UBND huyện An Lão phê duyệt đầu tư có tập trung trọng điểm vùng dâu tằm 20 ha, vùng vệ tinh 10 ha, bảo đảm ổn định diện tích dâu tằm khoảng 30 ha”.
Theo Đề án, bắt đầu vào vụ Đông Xuân 2017-2018 sẽ triển khai cho 55 hộ tập trung sản xuất 20 ha tại Soi Bồi (Trà Cong), Soi Lớn, Soi Cát, Soi Lò (Vạn Khánh) và trồng phân tán khoảng 10 ha tại vùng đất màu Vạn Xuân, Vạn Long, Xuân Phong Nam. Vốn đầu tư năm thứ nhất trên 2,5 tỉ đồng, bao gồm cây dâu giống, phân bón, công lao động làm đất, chăm sóc. Từ tính toán ban đầu cho thấy, toàn bộ diện tích dâu tằm được trồng bằng các giống dâu cho lá có năng suất, chất lượng cao như KI 12, Quế Ưu…, 6 tháng trồng sẽ cho thu bói và sau một năm cho thu hoạch ổn định. Như vậy, với 30 ha trồng vào vụ Đông Xuân 2017-2018 thì từ năm 2019 trở đi sẽ cho sản lượng từ 18-20 tấn kén tằm; thời gian thu hoạch ổn định từ 10 năm trở lên, bình quân thu nhập 73,6 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lãi 44,2 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 120 lao động tại chỗ.
Ông Văn Phụng Anh cho biết thêm: “Một số người dân ở thôn Vạn Khánh có diện tích dâu lớn, trồng khoảng 1,5 ha/hộ, đã bám trụ với nghề chứ không chuyển sang cây trồng khác. Vì trên thực tế, nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; nếu so với cây mì, hoặc bắp, đậu phụng… thì thu nhập từ cây dâu con tằm cao hơn 30 - 50%. Mặt khác, nghề này còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vì vậy, huyện An Lão cũng đã có chủ trương phục hồi, phát triển thêm diện tích dâu tằm”.
Để khuyến khích người dân trên địa bàn xã duy trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, UBND xã An Hòa cũng đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Đối với đất thuộc UBND xã quản lý và giao thầu, khi hết hạn nhận thầu (5 năm), nếu người nhận thầu trồng dâu nuôi tằm hoàn thành tốt nghĩa vụ theo hợp đồng nhận thầu đã ký kết thì được gia hạn nhận thầu chu kỳ cho 5 năm tiếp theo. Đối với những hộ mới bước vào nghề, sẽ được địa phương tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật để chăn nuôi đạt hiệu quả. Đồng thời, UBND xã còn thống nhất thành lập tổ, hội hoặc câu lạc bộ những người trồng dâu nuôi tằm; hàng quý, năm tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm để nghề trồng dâu nuôi tằm ngày một bền vững và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa nghèo, ổn định cuộc sống cũng như bảo tồn được nghề truyền thống của địa phương.
ANH NGA