Ðầu tư xây dựng và tôn tạo di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài: Giáo dục truyền thống, tôn vinh nữ chiến sĩ cách mạng
Ðược sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công trình xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử cấp tỉnh Trại giam nữ tù binh Phú Tài đến nay đã cơ bản hoàn thành. Việc đầu tư tôn tạo di tích này nhằm góp phần giáo dục truyền thống, tưởng nhớ và tôn vinh các nữ chiến sĩ cách mạng.
Di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài đã được quan tâm đầu tư các hạng mục công trình xây dựng và tôn tạo.
Giai đoạn từ năm 1967 đến 1972, Trại giam nữ tù binh Phú Tài được chế độ Sài Gòn sử dụng làm nơi giam giữ nữ tù nhân chính trị khắp miền Nam, có lúc lên đến cả ngàn người. Nhiều hình thức tra tấn dã man nhất đã được địch áp dụng ở Trại giam này, nhưng vẫn không thể ngăn được ý chí bất khuất, tinh thần đoàn kết, kiên cường của các nữ tù.
Tôn vinh những người kiên trung với cách mạng
Công trình xây dựng, tôn tạo di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài do Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT) làm chủ đầu tư, bao gồm hai hạng mục chính là xây dựng tượng đài và cơ sở hạ tầng (sân tưởng niệm, hệ thống sân vườn và giao thông nội bộ, đèn chiếu sáng...). Địa điểm xây dựng công trình di tích nằm trong khu công nghiệp Phú Tài (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) với tổng diện tích đất quy hoạch 6.268 m2.
Cách đây nhiều năm, lần đầu tiên đi tìm hiểu về nơi dự kiến triển khai công trình di tích, chúng tôi chưa thể hình dung được việc xây dựng như thế nào trên một phần khu đất đồi còn lại giữa xung quanh phía dưới chân là các nhà xưởng sản xuất của doanh nghiệp. Sáng 24.5, quay trở lại địa điểm này, thật ngạc nhiên trước quy mô công trình di tích đã định hình. Khu đồi có “áo mới” bằng bê tông vững chắc, góp phần bảo vệ cho công trình. Ở khu vực trung tâm là tượng đài bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa, do Trung tâm Mỹ thuật và Trang trí nội, ngoại thất Hà Nội thi công, đã hoàn thành vào tháng 1.2017.
Tượng đài tại di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài.
Tượng đài gồm 3 nhân vật nữ (cao 6m) tượng trưng cho các nữ tù chính trị ngày xưa. Dù tay bị xiềng xích nhưng các nhân vật vẫn thể hiện dáng đứng hiên ngang, những động tác mạnh mẽ phản kháng, dũng cảm đấu tranh với địch trong nhà giam. Phía sau các bức tượng và phần bệ tượng (cao 4m) có mô phỏng hình ảnh phòng giam.
Chuẩn bị phục vụ khách tham quan
Ban Quản lý di tích tỉnh đã cho xây dựng bảng hướng dẫn (đặt ở ven quốc lộ 1A, cách di tích 500m) đường đi đến di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài. Ở khu vực công trình tượng đài cũng có bảng nội quy tham quan di tích, tổ chức phục vụ tất cả các ngày trong tuần. Các đoàn khách tham quan liên hệ trước với Ban Quản lý di tích tỉnh để được hướng dẫn.
Sau khi các hạng mục công trình xây dựng, tôn tạo di tích đã định hình, Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, Sở VH-TT bổ sung thêm lư hương lớn để mọi người có thể dâng hương, dựng bảng giới thiệu về di tích, xây nhà vệ sinh... nhằm phục vụ tốt hơn các đoàn tham quan.
“ Cựu nữ tù chính trị ở nhiều tỉnh, thành đã được hỗ trợ tổ chức những cuộc họp mặt xúc động, họ đều bày tỏ mong muốn được về thăm lại nơi ngày xưa là Trại giam nữ tù binh Phú Tài ”
Ông PHAN THÀNH LANG, Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh
Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh đang tiến hành tập hợp các thông tin về nữ tù chính trị ở Trại giam nữ tù binh Phú Tài để làm tập kỷ yếu xuất bản thời gian tới. Theo thống kê của Hội, cựu nữ tù binh Phú Tài đang sống ở 30 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở tỉnh Bình Định với hơn 200 nữ cựu tù. Ông Phan Thành Lang, Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh, cho biết: “Cựu nữ tù chính trị ở nhiều tỉnh, thành đã được hỗ trợ tổ chức những cuộc họp mặt xúc động, họ đều bày tỏ mong muốn được về thăm lại nơi ngày xưa là Trại giam nữ tù binh Phú Tài. Hội chúng tôi đã đề xuất, tham mưu về việc tổ chức gặp mặt lần đầu tiên của các cựu nữ tù tại Quy Nhơn, nhân công trình xây dựng, tôn tạo di tích đã hoàn thành. Lãnh đạo tỉnh đã chấp thuận và chỉ đạo Hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức gặp mặt trong năm nay. Nhiều chị, em cựu tù chính trị ở trong và ngoài tỉnh biết tin đã liên tục gọi điện hỏi thăm và giục tiến hành sớm sớm bởi họ rất mong chờ”.
Ðiêu khắc gia Vũ Ðại Bình, tác giả mẫu tượng đài, chia sẻ: “Khi tham khảo tài liệu về Trại giam nữ tù binh Phú Tài, tôi khâm phục sự mạnh mẽ, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng của các nữ tù. Từ đó, phác thảo mẫu tượng đài thể hiện được sự đoàn kết, tinh thần bất khuất, vững chí bền gan một lòng kiên trung với cách mạng của họ. Ngắm nhìn tượng đài đứng hiên ngang trên đồi hiện nay, tôi rất vui và mong rằng tổng thể công trình di tích sau khi hoàn thành sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ”.
HOÀI THU
Công trình xây dựng đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng VN.