Cảnh báo đồ chơi “bom nổ” gây thương tích
Đầu tháng 5.2017, một học sinh tiểu học ở huyện Phù Cát mua loại đồ chơi “bom nổ” hình Pokemon chơi. Trong lúc đạp mạnh chờ cho bom phình to và nổ, em đã bị bọt của bom nổ bay vào mắt gây tổn thương nặng. Trước đó, cũng tại huyện này, một nhóm học sinh tiểu học mua bom nổ và thi nhau xem bên nào nổ to hơn, đã bị bọt trong bom tung ra trúng người, gây mẩn ngứa.
Điều này cho thấy đây là loại đồ chơi có thể gây tổn thương về da, thậm chí nguy hiểm cho trẻ em. Đáng chú ý, do các em thường tổ chức chơi trước khi vào lớp, giờ ra chơi lúc chưa có thầy cô, cha mẹ nên không có người lớn kiểm soát. Thậm chí, một số em vì sợ cha mẹ, thầy cô biết mình chơi trò này nên đã lén lút rủ nhau ra bãi đất trống đạp bom, để khỏi bị phát hiện.
Đồ chơi “bom nổ” đủ sắc màu, hình thù và rẻ tiền được nhiều học sinh tiểu học tìm mua.
Đây là loại đồ chơi bên ngoài có ghi chữ Trung Quốc sản xuất có đủ hình dạng, màu sắc, con vật gắn với các bộ phim truyền hình, khi đạp gây ra tiếng nổ lớn kèm theo bọt và khí bay ra và giá chỉ vài ngàn đồng nên được nhiều học sinh mua về chơi. Tuy nhiên, ngoài gây kích ứng da, tổn thương nếu nổ mạnh, loại đồ chơi này còn có tính bạo lực vì tiếng nổ mạnh giống như dội bom thường xem trong phim.
Trung tá Bùi Đình Huệ, Đội trưởng đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Phù Cát, cho biết qua kiểm tra đã phát hiện hầu hết các điểm có mua bán đồ chơi trẻ em đều bán loại đồ chơi bom nổ và tiêu thụ rất mạnh. Được biết, loại đồ chơi này không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm về tính an toàn của sản phẩm.
Công an huyện Phù Cát thu giữ đồ chơi “bom nổ”.
Trước việc xảy ra một số vụ tai nạn thương tích cho trẻ em khi chơi bom nổ, giữa tháng 5 vừa qua, Công an huyện Phù Cát đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn, Đội Cảnh sát quản lý hành chính thuộc Công an huyện tăng cường kiểm tra các tiệm tạp hóa, các điểm bán đồ chơi trước trường học để thu giữ loại đồ chơi này. Ngoài ra, Công an huyện cũng khuyến cáo Ban giám hiệu, phụ huynh, học sinh các trường nhận dạng và không nên mua, sử dụng đồ chơi này; đồng thời có kế hoạch rà soát danh sách các cơ sở kinh doanh, các điểm bán hàng rong ở các trường học để tổ chức cho chủ cơ sở cam kết không mua, bán các loại đồ chơi bom nổ. Nhưng, ngoại trừ huyện Phù Cát đã triển khai ngăn chặn đồng loạt không cho mua bán loại đồ chơi này, thì ở các địa phương khác, việc xử lý, ngăn chặn phát tán đồ chơi này chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần thận trọng khi cho con sử dụng. Đối với ngành chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn việc mua bán loại đồ chơi nguy hiểm với trẻ em này.
NGUYỄN SƠN