Bộ VH-TT-DL khẳng định, thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng là đúng
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, khẳng định VCPMC thu tiền bản quyền tại Đà Nẵng là hoàn toàn đúng với quy định.
Ngày 25.5, tại Bộ VH-TT-DL, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT-DL. Ảnh: Cinet
Theo đó, ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định, theo luật sở hữu trí tuệ, các quy định hướng dẫn và công ước Berne, việc triển khai thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng của VCPMC là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cũng cho biết, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chịu sự quản lý của nhà nước về quyền tác giả.
Theo quy định của pháp luật, điều 33 luật sở hữu trí tuệ ghi rõ, việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm hay ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác phải trả một số tiền bản quyền. Nếu những tác giả nào đã ủy quyền cho VCPMC thì đơn vị này được phép thu tiền tác quyền. Luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực biểu diễn còn liên quan đến quyền của người biểu diễn. Nếu người biểu diễn ủy quyền cho Hội Nghệ sỹ biểu diễn (do NSND Thanh Hoa làm chủ tịch hội) thì đơn vị này có quyền thu phí.
Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC khu vực phía Nam cho biết: “Việc khách sạn lắp đặt tivi tại các phòng lưu trú, thông qua tivi có các kênh âm nhạc, chương trình truyền hình có sử dụng các tác phẩm âm nhạc như Game show, các chương trình vui chơi giải trí khác…. nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức âm nhạc của khách hàng sử dụng phòng lưu trú, đây là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT và hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP. Khi sử dụng quyền này, khách sạn có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT.
Đối với các kênh truyền hình, VCPMC chỉ cấp phép giới hạn ở việc sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 của Điều 20 Luật SHTT được hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, nội dung này được quy định rõ hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCPMC ký kết với các đài phát thanh & truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam và không bao gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong khách sạn, nhà hàng, quán bar… thông qua các kênh truyền hình.
Khoản chi phí mà khách sạn phải trả cho truyền hình cáp thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm tiền nhuận bút trả cho việc sử dụng tác phẩm âm nhạc. Hơn nữa, các khách sạn tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc khi sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng thông qua tivi.
Về mức nhuận bút 25.000 đồng/phòng lưu trú/năm mà VCPMC đang áp dụng. VCPMC đã tham khảo mức thu tác quyền của các nước trong khu vực, cân nhắc đến tần suất sử dụng âm nhạc của khách lưu trú trong khách sạn. Vì vậy, từ nhiều năm nay VCPMC không tăng mà vẫn giữ nguyên mức thu nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc là 25.000 đồng/phòng lưu trú/năm".
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng cho biết thêm, việc thu tiền tác quyền này đã được thực hiện ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Phan Thiết, Lâm Đồng… hơn 10 năm nay. Riêng ở Đà Nẵng vì Trung tâm mới mở văn phòng ở đây nên việc thu phí muộn hơn các tỉnh thành khác.
“Trước mỗi lần thu phí như vậy, chúng tôi đều tổ chức gặp mặt trực tiếp để giải thích, nhưng nhiều doanh nghiệp không đến để nghe nên không hiểu, phản ứng là cũng dễ hiểu!” ông Đinh Trung Cẩn chia sẻ.
Theo Đào Bích (VOV)