Thu nhập cao từ nuôi vịt đẻ
Nằm bên dòng sông dưới chân núi Hòn Vồ thuộc thôn Mỹ Ðiền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) là trang trại nuôi vịt khá rộng rãi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Chín, người dân địa phương.
Đàn vịt của anh Chín. Ảnh: KIM CƯƠNG
Anh Chín cho biết đã gắn bó với nghề nuôi vịt đàn lấy trứng hơn 15 năm nay. Tận dụng khoảnh đất bỏ hoang do khó canh tác của một hộ dân trong vùng, anh đã xin phép chủ đất để lập trại nuôi vịt bên bờ sông khá lý tưởng này.
Những năm đầu do ít vốn và chưa có kinh nghiệm nên vợ chồng anh chỉ nuôi 500 con vịt đẻ (giống siêu trứng). Đến năm 2005, anh quyết định nâng đàn vịt lên 1.000 con, kết hợp tìm tòi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ những hộ nuôi vịt lâu năm và thông qua các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt lấy trứng để áp dụng vào đàn vịt của mình. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn rõ rệt so với thời gian ban đầu.
Anh tiếp tục nhân đàn vịt lên gấp đôi, gấp ba lần và hiện giờ trại vịt có gần 6.500 con, gồm 4.000 vịt đẻ, 1.500 vịt tơ hậu bị và gần 1.000 vịt con hơn 1 tháng tuổi. Tất cả đều là giống vịt siêu trứng mua về từ Trung tâm Kỹ thuật vật nuôi Diêu Trì. Nhờ tỉ lệ đẻ trứng đạt gần 90% nên sau khi trừ chi phí, đàn vịt đẻ đã mang về thu nhập mỗi tháng gần 85 triệu đồng.
Trong quá trình nuôi vịt không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, bởi giá trứng vịt trên thị trường hiện nay luôn biến động, nhất là vào thời điểm xuất hiện dịch cúm gia cầm gây hoang mang tâm lý người tiêu dùng. Những lúc như vậy, giá trứng vịt xuống rất thấp, thậm chí chưa đến 1.000 đồng/quả; người nuôi vịt bị thua lỗ nặng. “Mặc dù vậy, tôi vẫn kiên quyết giữ lấy đàn vịt về số lượng và tăng cường các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng nhằm hạn chế thất thoát, chờ qua cơn khủng hoảng thị trường để có được lợi nhuận” - anh Chín cho biết.
KIM CƯƠNG