90% học sinh giỏi: Mừng hay lo?
Nhiều em là học sinh xuất sắc 5 năm liền nhưng lại không làm nổi bài kiểm tra đánh giá đầu vào THCS hoặc vào được trường nhưng không theo được.
Đến hôm nay, hầu hết các trường đã tổng kết xong năm học 2016 – 2017. Cũng giống như mọi năm, câu chuyện thành tích học tập của các con lại được dịp “làm mưa làm gió” trên các trang mạng xã hội. Bố mẹ nào cũng tỏ rõ niềm tự hào khi con mình có thành tích học tập xuất sắc. Nhưng đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục nước nhà?
Nhiều trường có tiêu chí tuyển sinh học sinh vào lớp 6 phạt đạt 100 điểm trong 5 năm tiểu học (ảnh minh họa)
Năm học này, Bộ GD-ĐT đã thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Thông tư 30 từng gây nhiều tranh cãi trước đó. Tuy nhiên, kết quả cuối năm học này cũng không khác là mấy, tỷ lệ học sinh giỏi vẫn chiếm phần đa. Các con ra về, ai cũng hớn hở vì thành tích cuối năm học, chỉ khác là con được khen toàn diện, con thì được khen từng mặt. Còn các ông bố, bà mẹ thì tự hào khoe thành tích học tập của con bằng những điểm 9, điểm 10 nhưng không ít người trong số đó vẫn vương vất một nỗi lo: liệu con mình có thực sự xuất sắc, giỏi giang như được đánh giá trong học bạ, hay vẫn là chuyện thành tích của ngành giáo dục?
Rõ ràng, ngành giáo dục vẫn đang cố gắng nói “không” với bệnh thành tích. Nhưng trên thực tế thực hiện lại không hề dễ dàng. Việc “cởi bỏ” điểm số trong các bài kiểm tra, đánh giá trong năm học khiến học sinh thoải mái hơn khi đến trường. Các con chỉ tập trung vào các bài kiểm tra cuối kỳ. Nhà trường, cô giáo không bị ép buộc thành tích như trước kia nhưng vẫn chưa “cởi bỏ” được hoàn toàn, vì quy định xét tuyển, nhiều trường yêu cầu học sinh phải đạt 5 năm liên tục học sinh giỏi, xuất sắc mới được vào trường chuyên, lớp chọn, tức là điểm số của các em phải đạt 100 điểm/5 năm học. Chính vì thế, cha mẹ muốn con được học ở trường lớp như ý thì lại phải lao vào cuộc đua điểm số, “làm đẹp” học bạ. Còn cô giáo, vì “nể nang”, vì thương học trò nên cũng “nhắm mắt” cho các con điểm thật cao hoặc cho các con học “tủ” để lúc thi điểm số đều đẹp như mơ.
Làm một thăm dò nhỏ ở một trường Trung học cơ sở có tiếng ở Hà Nội về chất lượng học sinh được tuyển vào trường khi trường này đặt yêu cầu các con phải có 10 điểm 10 trong 5 năm học. Lãnh đạo trường này cho biết, có nhiều em khi vào trường đã không theo học được cùng các bạn. Nhiều em, do sự “chèo lái” của cha mẹ từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng khi vào trường chỉ sau 1 năm học lớp 6 đã phải tìm đường sang nơi khác. Đây thực sự là một thực tế đáng buồn và các em là người đầu tiên phải chịu thiệt thòi.
Cũng đã có nhiều cha mẹ “sốc” khi cả cấp tiểu học con không biết đến điểm 9, chỉ toàn điểm 10 nhưng khi lên lớp 6 con có điểm liệt, điểm 3, điểm 4. Hay có những em là học sinh giỏi xuất sắc 5 năm liền nhưng khi làm bài đánh giá xét đầu vào lớp 6 lại không vượt qua được, thậm chí bị điểm liệt.
90% học sinh giỏi – có phải là con số đáng mừng? Ngành giáo dục đã thay đổi cách đánh giá, giảm tải học hành, không lệ thuộc điểm số, nhưng tiêu chí lựa chọn học sinh ở cấp học kế tiếp lại không có nhiều thay đổi, thậm chí còn dễ khiến người ta gian dối hơn trước thì ai biết đâu là chất lượng thật của ngành giáo dục.
Khi mà tất cả chỉ chăm chăm lo cho mục đích của riêng mình, không nhìn vào năng lực thực tế, giá trị đích thực của những thành tích ấy sẽ gây hậu quả khôn lường. Một nền giáo dục mà hầu hết học sinh đều học lực giỏi sẽ làm sai lệch các tiêu chí đánh giá năng lực, hiệu quả. Hậu quả đầu tiên, chính các em là người phải gánh chịu. Các em sẽ “ảo tưởng” về thành tích, năng lực của mình; thấy rằng việc đi học và đạt điểm cao là quá dễ dàng và nhiều khi coi điểm số, thành tích đó là việc của người lớn.
Thứ hai, việc đánh giá không đúng năng lực học sinh tạo sự bất bình đẳng, không công bằng cho chính các em. Những em giỏi thực sự cũng bị “cào bằng” với những bạn thua kém hơn nhưng có "sự sắp đặt" của cha mẹ, thầy cô. Thực tế, nhiều cha mẹ muốn giành điểm ưu tiên cho con mình bằng các giải thưởng phụ, tìm kiếm tài năng ở các cuộc thi. Thế nhưng, “bệnh thành tích” ở những cuộc thi này cũng không được buông tha. Nhiều cha mẹ đã sẵn sàng “mua – bán” giải thưởng, tạo thành tích ảo, tăng cơ hội cộng điểm cho con.
Một nền giáo dục muốn nói không với bệnh thành tích, muốn đi vào thực chất nhưng chúng ta vẫn bị soi chiếu bởi những qui định về thành tích thì đến bao giờ những tiêu cực đó mới bị triệt tiêu? Những băn khoăn, lo lắng này sẽ kéo dài đến bao giờ khi mà năm học nào tỷ lệ cũng trên 90% học sinh giỏi, xuất sắc?/.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN