Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
(Giám đốc Sở GTVT, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, trả lời. Chương trình được phát trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định tối 13.5)
Hỏi: Hiện nay có nhiều xe tải chở dăm bạch đàn không che chắn, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sở GTVT có biện pháp gì để hạn chế và chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời:
Trong thời gian qua, dọc tuyến QL19C, trên địa bàn huyện Tuy Phước và Vân Canh hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp, kho bãi và các mỏ khai thác vật liệu xây dựng, do đó lưu lượng phương tiện vận chuyển các mặt hàng gỗ, dăm gỗ bạch đàn, vật liệu xây dựng… lưu thông tương đối lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Công tác bảo đảm ATGT trên tuyến QL19C luôn được Sở GTVT, Công an tỉnh và chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các lực lượng thường xuyên phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, theo đó tập trung kiểm tra, xử lý xe vận chuyển không che chắn, phóng nhanh vượt ẩu.
Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, không thể tuần tra khép kín thời gian trong ngày trên tuyến. Khi vắng lực lượng chức năng, tình trạng phương tiện vận chuyển vật liệu từ các nhà máy trong các cụm công nghiệp về các cảng biển Quy Nhơn vi phạm trật tự ATGT, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông như người dân phản ảnh là đúng.
Trong thời gian đến, Sở GTVT sẽ tiếp tục tổ chức ký cam kết, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp vận tải thường xuyên hoạt động trên tuyến QL19C thực hiện nghiêm túc các quy định về bốc, xếp và vận chuyển hàng theo đúng quy định; tuyên truyền phổ biến đội ngũ lái xe nghiêm túc chấp hành quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: không chở quá tải trọng cho phép, không phóng nhanh vượt ẩu, chở hàng rời phải được che chắn, phủ bạt theo quy định; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành Thanh tra Sở GTVT - Công an tỉnh - Cục Quản lý đường bộ III; chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Ngoài ra Sở cũng tăng cường duy tu, bảo dưỡng sửa chữa đường QL19C kịp thời, bảo đảm giao thông thông suốt an toàn, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân để góp phần bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL19C.
Hỏi: Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ những đường ngang dân sinh tự phát không có rào chắn. Hành vi tự mở đường ngang qua đường sắt bị xử phạt thế nào và Sở có giải pháp gì để quản lý và xử lý việc tự ý mở đường ngang qua đường sắt cũng như để giảm thiểu tai nạn đường sắt trong thời gian tới?
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng. Qua phân tích thì 2 vụ tai nạn này xảy ra tại các đường ngang hợp pháp cụ thể: vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 18/3/2017 tại đường ngang giao cắt với đường sắt tại km 1104+640 thuộc thôn An Long 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh làm chết 2 người, nguyên nhân do người gác chắn không đóng gác chắn khi có tàu chạy qua; vụ thứ hai xảy ra vào ngày 24/4/2017 tại đường ngang giao cắt với đường sắt tại km 1102 +100 thuộc thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước làm chết 4 người, bị thương 2 người, nguyên nhân xác định do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát khi qua đường sắt. Đây là 2 đường ngang hợp pháp được ngành đường sắt và địa phương tổ chức quản lý.
Về việc các tổ chức, cá nhân tự ý mở đường ngang trái phép qua đường sắt là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao, hậu quả rất khó lường. Hành vi tự ý mở đường ngang trái phép qua đường sắt bị phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 triệu - 40 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 49 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ; đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành lang gây ra theo điểm g, khoản 6 Điều 49 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều đường ngang dân sinh tự phát gây nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT đường sắt (địa bàn huyện Tuy Phước tồn tại 17 đường dân sinh không phép). Sở GTVT đã phối hợp với ngành đường sắt, chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm ATGT đường sắt: tăng cường công tác bảo đảm hành lang ATGT đường sắt, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho người dân khi qua đường sắt phải tập trung quan sát, dừng xe trên đường ngang cách đường sắt ít nhất 5m để nhường đường cho tàu hỏa đi qua; kiến nghị ngành đường sắt ưu tiên xây dựng đường gom để xóa bỏ đường dân sinh không phép; nâng cấp đường ngang phòng vệ biển báo và các lối đi dân sinh đảm bảo tiêu chuẩn thành đường ngang cảnh báo tự động hoặc đường ngang có rào chắn; chặt bỏ cây cối, tháo dỡ lều quán nằm trong chỉ giới tầm nhìn đường ngang và hành lang ATGT đường sắt; chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đường sắt tiếp nhận và quản lý hàng rào thu hẹp lối đi dân sinh, phối hợp ngành đường sắt kiểm tra, đánh giá tổ chức cảnh giới những vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có tình hình giao thông phức tạp, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, có nguy cơ mất an toàn cao; kiên quyết kiểm tra, xử lý kịp thời không để phát sinh mới các đường ngang, lối đi mới bất hợp pháp để đảm bảo ATGT đường sắt.
Hỏi: Việc bố trí tín hiệu đèn giao thông tại nút giao thông ngã 5 Đống Đa, TP Quy Nhơn như hiện nay là chưa hợp lý và dễ xảy ra tai nạn. Vậy Sở Giao thông vận tải sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?
Nút giao thông ngã 5 Đống Đa, TP Quy Nhơn có mật độ phương tiện qua lại rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm dễ xảy ra tai nạn giao thông. Theo hồ sơ thiết kế công trình tuyến QL19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1A được duyệt, nút giao ngã 5 Đống Đa được đầu tư xây dựng thành nút giao hoàn chỉnh, các phương tiện theo các hướng khi ra vào nút đều được phân luồng, không bị giao cắt khi thi công hoàn chỉnh nút giao này, sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay. Hiện nay đang triển khai thực hiện công tác giải phóngmặt bằng khu vực nút giao, khi hoàn thành sẽ tiến hành thi công theo quy hoạch.
Trước mắt, để khắc phục những vấn đề chưa hợp lý mà người dân phản ánh, đầu tháng 2.2107, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và TP Quy Nhơn đã điều chỉnh, phân luồng giao thông tại nút giao ngã 5 Đống Đa như hiện nay, theo đó có việc điều chỉnh thời gian hoạt động cấm xe tải trên 3,5 tấn buổi sáng từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ, buổi chiều từ 17 giờ đến 17 giờ 45 phút, ngày thứ bảy và chủ nhật không cấm; cắm lại biển hướng dẫn cho phương tiện đi trên đường Đống Đa được rẽ phải sang đường Võ Nguyên Giáp, xe 2 bánh đi trên đường Trần Hưng Đạo được rẽ phải sang đường Nguyễn Tất Thành khi gặp đèn đỏ tại nút giao...
Trong thời gian đến, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tỉnh và TP Quy Nhơn khảo sát, theo dõi, đánh giá, để điều chỉnh ngày càng hợp lý hơn nhằm đảm bảo ATGT khu vực ngã 5 Đống Đa này.
Hỏi: Từ phía Nam đi ra đến trạm thu phí An Nhơn không có chỗ quay đầu xe, nếu muốn quay đầu thì phải đi qua trạm hoặc xe phải chạy lui một đoạn dài. Vậy, nếu qua trạm để quay đầu xe thì tôi có phải trả phí không?
Sau khi nhận phản ảnh này của cử tri, Sở GTVT đã mời Đoàn công tác của Bộ GTVT, các ngành chức năng của tỉnh tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế hiện trường đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét mở dải phân cách tại lý trình Km1212+100 và Km1213+150, QL1 (phạm vi trạm thu phí BOT Nam Bình Định) để quay đầu xe, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại sinh hoạt.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra không thống nhất mở dải phân cách tại 2 vị trí này, vì đây là đoạn tuyến thuộc phạm vi Trạm thu phí và nằm trong đường cong dễ xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông. Theo quy định tại Thông tư số 192/2015/BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài Chính, các phương tiện xe cơ giới khi qua trạm thu phí tại Km1212+550 (thị xã An Nhơn) phải thực hiện nghĩa vụ nộp phí theo quy định.
Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị đến cơ quan liên quan của Bộ GTVT để có phương án hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương sinh hoạt, đi lại và tránh xảy ra những căng thẳng, bức xúc giữa người dân với Trạm thu phí.
Hỏi: Sở GTVT có kế hoạch kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy không? Vì hiện nay có nhiều tàu chở khách đang hoạt động nhưng không đảm bảo an toàn cho hành khách như: không bố trí áo phao hoặc bố trí không đủ cho toàn bộ hành khách, tàu không đăng kiểm, tàu đóng thô sơ không đảm bảo an toàn.
Trong thời gian qua, hoạt động giao thông đường thủy nội địa diễn biến phức tạp. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Du lịch, Chi cục Đăng kiểm số 4 lập kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đồng thời quyết liệt chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tập trung tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hướng đến mục tiêu bảo đảm giao thông an toàn, không để xảy ra TNGT đường thủy nội địa, vì sự an toàn và lợi ích của người dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT; đã kiểm tra, lập biên bản 156 trường hợp; đình chỉ hoạt động các phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển phương tiện chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, các bến, bãi đón trả khách không có giấy phép hoạt động, giao cho địa phương quản lý, theo dõi, ngăn chặn không để tiếp tục vi phạm. Đặc biệt tập trung các địa bàn trọng điểm vận chuyển khách du lịch các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Kỳ Co, Hòn Khô..., đã góp phần ổn định tình hình giao thông đường thủy nội địa, tạo chuyển biến tích cực, ngăn chặn, phòng ngừa TNGT đường thủy, không để xảy ra TNGT đường thủy nội địa trên địa bàn.
Trong thời gian đến, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, hướng dẫn người dân thực hiện đăng kiểm, đăng ký phương tiện theo quy định, các biện pháp phòng tránh TNGT; tăng cường quản lý chặt chẽ phương tiện và người lái; phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thống kê nhu cầu người dân học lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ để báo cáo UBND tỉnh cho liên kết mở lớp đào tạo; mặt khác duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện không có đăng kiểm, đăng ký, không bảo đảm các điều kiện an toàn, tàu cá hoán cải để chở người, chở khách, bến thủy hoạt động trái phép để bảo đảm ATGT đường thủy nội địa.
Ngày nay đất dùng để làm nghĩa địa chôn cất người chết đã hạn hẹp , vậy UBND tỉnh đã có chủ trương cho đầu tư xây dựng nơi thiêu xác chưa? Vì sao chưa? Trong khi đây là việc cần làm ngay nhằm dành đất đai cho sản xuất và xây dựng các công trình dân sinh khác .
Bố, mẹ tôi là gia đình có công với cách mạng, bố bị bắt tù đày tại Phú Quốc, hiện là thương binh hạng 2/4, thương tật 61%, mẹ thương binh 4/4. HIện tại nhà ở (nhà cấp 4) được xây dựng từ năm 1976, nên xuống cấp nghiêm trọng, tôi muốn hỏi: Để được hưởng chính sách theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì thủ tục hưởng như thế nào? Bộ phận nào là nơi tiếp nhận thông tin? Nguyễn Ngọc An SN 1946, Xóm 1, Hy Văn ,Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định
Hỏi : Ba tôi năm nay 86 tuổi, Mẹ tôi 79 tuổi. Do anh chị em đi làm ăn xa, vừa qua anh tôi đưa Ba mẹ tôi ra phòng công chứng làm thừa kế cho anh ruột tôi và phòng tài nguyên đã chuyển quyền thừa kế cho anh tôi đứng tên (ra tên sổ đỏ). Việc này có hợp pháp không ? Ở độ tuổi này ba mẹ tôi có cần người giám hộ trước khi ký không ?